Con số hơn 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, trị giá lỗ lũy kế lên tới gần 1 triệu tỷ đồng, khiến dư luận quan ngại. Việc doanh nghiệp FDI “lỗ giả, lãi thật” không chỉ làm thất thu thuế và gây méo mó thị trường mà còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp nội địa.

Mất cân bằng cạnh tranh, doanh nghiệp nội bị chèn ép

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Công Cường, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực Thành phố Hà Nội (HAMI), cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của doanh nghiệp FDI là đóng góp lớn vào xuất khẩu, tạo việc làm và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý việc doanh nghiệp FDI báo lỗ.

Đề cập đến ‘chiêu’ chuyển giá của không ít doanh nghiệp FDI, ông Cường phân tích: Khi doanh nghiệp FDI chuyển giá, chi phí sản xuất nội địa bị đẩy lên cao một cách giả tạo, làm mất cân bằng cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp nội địa bị chèn ép cả về giá cả, nguồn cung nguyên vật liệu và khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu.

ngân hàng SEA bank 2025 (104).jpg
Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2023, hơn 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, trị giá lỗ lũy kế lên tới gần 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: Nam Khánh

Khi doanh nghiệp FDI báo lỗ, số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách giảm đáng kể, trong khi họ vẫn tận dụng cơ sở hạ tầng, nhân lực, tài nguyên của Việt Nam. Điều này tạo ra sự bất công trong nghĩa vụ tài chính giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet, chia sẻ: Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi thuế khá lớn, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng vẫn có tình trạng tìm cách lách để tối thiểu phần thuế phải nộp, thậm chí không nộp.

Điều này tạo ra một “sân chơi” không công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi các doanh nghiệp thường bị kiểm soát rất chặt về nghĩa vụ thuế.

“Doanh nghiệp FDI vừa có quy mô lớn, lại được ưu đãi thuế nên lợi thế hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt không thể chuyển giá, dẫn đến chi phí thực phải trả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt cao hơn, kém tính cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp FDI”, giám đốc iViet nêu thực tế.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hồng Cơ Group, thành viên sáng lập Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh đã đến lúc cần ưu tiên nhiều hơn cho sức mạnh nội lực, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng hơn giữa doanh nghiệp có vốn nước ngoài với doanh nghiệp nội địa.

“Đã và đang có không ít doanh nghiệp FDI dùng ‘xảo thuật’ khai lỗ, thực chất là lỗ giả, lãi thật, cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp Việt. Trong các liên doanh giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, nếu doanh nghiệp vốn ngoại báo lỗ giả và tăng vốn, phía Việt Nam không đủ tiền góp để giữ tỷ trọng vốn như cũ thì doanh nghiệp trong nước sẽ dần yếu thế”, ông Thắng lo ngại.

Đề xuất đưa doanh nghiệp FDI báo lỗ quá 3-5 năm vào “danh sách đen”

Việt Nam đã có nhiều biện pháp để kiểm soát chuyển giá, nhưng ông Nguyễn Công Cường đánh giá, hoạt động kiểm soát chuyển giá vẫn còn nhiều hạn chế, như thiếu dữ liệu chuẩn để so sánh giá thị trường khiến việc xác định giá giao dịch liên kết gặp khó khăn; thiếu nhân lực chuyên sâu về phân tích tài chính, kiểm toán chuyển giá…

Ngoài ra, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe nên nhiều doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục tận dụng kẽ hở để trốn thuế.

Chuyển giá là vấn đề phức tạp và cần cách tiếp cận linh hoạt, kết hợp giữa chính sách thuế chặt chẽ, hệ thống dữ liệu chuẩn và năng lực kiểm toán mạnh. Việt Nam cần tiếp tục cải cách chính sách thuế, đồng thời đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng để cả doanh nghiệp nội và FDI cùng phát triển bền vững. Ông Nguyễn Công Cường, Phó Chủ tịch HAMI

Phó Chủ tịch HAMI đề xuất tăng cường phân loại doanh nghiệp FDI có rủi ro cao về chuyển giá để thanh tra trọng điểm, thay vì kiểm tra dàn trải. Nếu doanh nghiệp báo lỗ quá 3-5 năm mà vẫn mở rộng sản xuất, sẽ đưa vào black list (danh sách đen) để giám sát chặt chẽ.

Mặt khác, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giá giao dịch nội bộ chuẩn để so sánh, tránh chuyện doanh nghiệp FDI khai báo giá quá thấp hoặc quá cao để lách thuế; nâng cấp đội ngũ kiểm toán viên chuyên về chuyển giá để đủ năng lực phân tích báo cáo tài chính của các tập đoàn đa quốc gia.

Đồng thời, hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn, tham gia sâu hơn vào các sáng kiến toàn cầu như Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) để quản lý thuế chặt chẽ hơn.

Chủ tịch Hồng Cơ Group cũng khuyến nghị nên có quy định về việc cắt giảm ưu đãi nếu doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhiều năm.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát xem lỗ thật hay lỗ giả thông qua sự hỗ trợ của công nghệ với các giải pháp kiểm soát thông minh, chẳng hạn yêu cầu các báo cáo tài chính phải được blockchain hóa. Nếu lỗ thật thì chấp nhận, còn nếu lỗ giả thì có chế tài xử lý.

Trong khi đó, Giám đốc iViet Bùi Quang Cường gợi ý, cơ quan quản lý nghiên cứu giải pháp chính sách sao cho doanh nghiệp FDI không còn nghĩ tới chuyện chuyển giá, như áp dụng chính sách thuế mà họ thấy chuyển giá cũng chẳng có lợi hơn so với khi nộp thuế ngay tại Việt Nam.

“Làm được như vậy, chúng ta có thể tăng thu cho ngân sách nhà nước và biết đâu sẽ gia tăng cơ hội kéo thêm doanh nghiệp FDI khác vào Việt Nam”, giám đốc iViet nêu quan điểm.

DN ngoại lỗ gần triệu tỷ ở Việt Nam, đâu là dấu hiệu 'lỗ giả lãi thật'?

DN ngoại lỗ gần triệu tỷ ở Việt Nam, đâu là dấu hiệu ‘lỗ giả lãi thật’?

Hơn 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ, 18.140 doanh nghiệp bị lỗ lũy kế, tổng lỗ lũy kế lên tới gần 1 triệu tỷ đồng. Chuyên gia cảnh báo vấn nạn ‘lỗ giả, lãi thật’ làm thất thu thuế và méo mó thị trường.
Lộ góc khuất vốn ngoại vào Việt Nam: Chục nghìn DN lỗ gần triệu tỷ đồng

Lộ góc khuất vốn ngoại vào Việt Nam: Chục nghìn DN lỗ gần triệu tỷ đồng

Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu vẫn tăng trong nhiều năm. Trị giá lỗ lũy kế lên tới 908.211 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư…