(Dân trí) – PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết sắp tới sẽ không còn khái niệm xét tuyển sớm vì việc này chỉ có lợi cho học sinh yếu.
Nội dung này được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ tại ngày hội Tư vấn Tuyển sinh – Hướng nghiệp – Ngày mở do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tổ chức ngày 5/1.
Chương trình thu hút hơn 10.000 học sinh từ hơn 120 trường THPT và hơn 40 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận đã tham dự Ngày hội tuyển sinh năm 2025.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, dự kiến từ năm nay sẽ bỏ khái niệm xét tuyển sớm. Điều này xuất phát từ lý do, tất cả các thí sinh đều phải đăng ký nhập nguyện vọng lên hệ thống chung của toàn quốc và thí sinh cũng chỉ đỗ một nguyện vọng duy nhất.
Trong khi xét tuyển sớm kéo theo nhiều hệ lụy như ở các mùa tuyển sinh trước, học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ vào hàng chục trường, không yên tâm học tập, còn các trường tổ chức xét tuyển sớm rầm rộ. Điều này gây tốn kém, vất vả cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo.
Chưa kể, việc xét tuyển sớm dẫn đến mất công bằng giữa các thí sinh. Thực tế, không phải thí sinh nào cũng có thể theo học để có các chứng chỉ quốc tế, tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực…
Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay: “Mục tiêu ban đầu của xét tuyển sớm là dành cho những em học sinh xuất sắc, vượt trội. Nhưng những năm qua việc xét tuyển sớm lại có lợi cho học sinh yếu, nhiều học sinh yếu chỉ cần điểm học bạ trung bình là có thể đỗ vào một trường nào đó. Tại sao chúng ta phải tập trung cho những em này?”, bà Thủy đặt ra vấn đề.
Đối với những học sinh tài năng, xuất sắc, đạt thành tích cao trong học tập bà Nguyễn Thu Thủy cho hay, Bộ GD&ĐT đã có chính sách xét tuyển thẳng để các em chủ động chọn con đường học tập phù hợp.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, đối với việc xét tuyển bằng học bạ quy định phải dùng kết quả học tập phải sử dụng điểm của cả năm lớp 12 nhằm hạn chế việc học sinh không tập trung trong năm học cuối.
Cũng theo bà Thủy, đối với việc xét tuyển học bạ, Bộ GD&ĐT quy định các trường sẽ phải dùng kết quả học tập cả lớp 12, điều này nhằm hạn chế việc học sinh không tập trung học tập trong năm cuối.
Thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn lấy ý kiến cho Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025. Kế hoạch tuyển sinh nhìn chung giữ ổn định nhưng sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Một điểm đáng chú ý là sẽ không còn phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh. Thay vào đó, hệ thống sẽ xét tuyển theo kết quả từ cao đến thấp ở tất cả phương thức.
Để làm như vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dai-dien-bo-gddt-xet-tuyen-som-chi-co-loi-cho-hoc-sinh-yeu-20250105151702183.htm