Chiều ngày 16/1/2025, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam”. Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, địa phương và gần 200 đại biểu là các chuyên gia tài chính, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trung Chính cho biết, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 259/NQ-CP của Chính phủ, UBND thành phố tổ chức hội thảo với mục đích giới thiệu chủ trương, định hướng phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, bao gồm Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chính Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại TP. Đà Nẵng.
Ông Lê Trung Chính, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo |
Đồng thời, quảng bá các tiềm năng và điều kiện thuận lợi để các Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam sớm hình thành và phát triển.
Theo ông Chinh, thông qua hội thảo, mong muốn nhận được sự tham vấn ý kiên của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư chiến lược, các tổ chức, định chế tài chính, các quỹ đầu tư; công ty tư vấn (luật, tài chính, kế toán, kiểm toán…); các cơ sở đào tạo cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Cùng đó, đảm bảo công tác tổ chức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật; các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các chuyên gia tham gia tại hội thảo cho rằng, tính khả thi của việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam rất khả quan.
Theo các chuyên gia, Trung tâm tài chính là một hệ sinh thái đa dạng các dịch vụ tài chính tập trung tại một khu vực nhất định. Là nơi tập trung nhiều định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính và các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ, hàng hóa. Việc hình thành một khu vực có thể chế riêng, vượt trội, đặc thù, khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư để cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tài chính, kết nối với các Trung tâm tài chính hàng đầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hoạt động tài chính là rất cần thiết.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đồng chủ trì hội thảo |
Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển từ các trung tâm tài chính quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ tài chính mới, tiếp cận các thị trường mới, xu thế phát triển mới đang tạo ra nhu cầu về một trung tâm tài chính mới, khác biệt với trung tâm tài chính hiện có.
Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương – là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay, đang ngày càng bộc lộ rõ nét khả năng hình thành trung tâm tài chính mới…
Riêng tại Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính.
Thứ nhất, Đà Nẵng có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng. Có khả năng kết nối trực tiếp với 35 thành phố thuộc 11 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có nhiều trung tâm kinh tế – tài chính toàn cầu của khu vực châu Á thông qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, với tần suất khai thác trung bình 51 chuyến bay mỗi ngày, có cảng Đà Nẵng hiện là cảng biển container lớn nhất miền Trung, với bến Liên Chiểu được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế, có thể tiếp nhận tàu đến 18.000 TEU…
Đồng thời, có tốc độ mạng băng rộng di động và cố định cao nhất cả nước, kết nối trạm cáp quang biển cập bờ với 2 tuyến cáp quang quốc tế SWM3 và APG…
Thứ hai, được các nhà đầu tư và tổ chức kinh tế quốc tế đánh giá cao về môi trường sống và kinh doanh. Đà Nẵng có chất lượng môi trường không khí và ô nhiễm ở mức tốt, đang dẫn đầu trong bảng xếp hạng bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường….
Thứ ba, Đà Nẵng đang xây dựng để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, gắn với những xu thế công nghệ mới, hiện đại như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Blockchain, điện toán đám mây… Có tiềm năng và điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng…
Thêm nữa, để chuẩn bị cho việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính, Đà Nẵng đã bố trí 2 quỹ đất sạch với tổng diện tích hơn 15ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết lập khu phức hợp, văn phòng, nghỉ dưỡng cao cấp và khu vực dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu công viên phần mềm số 2, một trong 3 khu công nghệ thông tin tập trung được Thủ tướng Chính phủ công nhận…
Quang cảnh hội thảo |
Theo lãnh đạo Đà Nẵng, các tổ chức, quỹ đầu tư tài chính khi nghiên cứu đầu tư vào Đà Nẵng rất quan tâm đến việc phát triển trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắng với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với lợi thế từ vị trí địa chính trị – kinh tế quan trọng trong hành lang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố. Điều đó, tạo nên sự kết hợp khác biệt giữa các dịch vụ tài chính truyền thống và công nghệ tiên tiến hàng đầu, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và đầu mối giao thương của tất cả các bên trong chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển…
Theo các chuyên gia, mô hình, định hướng phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính gắn với đổi mới sáng tạo… Mục tiêu mà Đà Nẵng đặt ra khá cụ thể, như cung cấp các dịch vụ tài chính để phục vụ thúc đẩy đầu tư, kinh doanh và thương mại quốc tế.
Trong đó, bao gồm các dịch vụ tài chính nhằm mục tiêu huy động có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc tế phục vụ cho sự phát triển của khu thương mại tự do Đà Nẵng, trung tâm đồi mới sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng, xây dựng Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư – thương mại – tài chính của quốc gia, khu vực…
Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển đột phá, lâu dài của TP. Đà Nẵng trong thời gian đến.
Trên cơ sở đó, ông Lê Trung Chinh đề nghị các sở, ban ngành, các cơ quan liên quan của thành phố tập trung cao độ để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ những ý kiến phát biểu, chỉ đạo tại hội thảo, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động.
Từ đó, kịp thời nghiên cứu xây dựng dự thảo các cơ chế, chính sách báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, cụ thể hóa, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 259/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành uỷ về triển khai Thông báo số 47-TB/TW đề ra.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/da-nang-mong-nhan-duoc-tham-van-cua-chuyen-gia-ve-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-khu-vuc-159934.html