Phóng sự truyền hình “Trả lại sự sống cho đất” của phóng viên Trà My và cộng sự đã xuất sắc đạt Giải B – Giải Tin, phóng sự, ký sự (Truyền hình) tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VIII-2023.
Mạng lưới rùng mình
Có mặt tại một khu xóm hẻo lánh ở xã miền núi, huyện Thanh Sơn, Trà My và nhóm phóng viên trong vai những người muốn mở xưởng sơ chế giun đất đã được một đầu mối mua bán thiết bị kích điện và máy mổ giun tiếp đón nhiệt tình. Trong khu vực nhỏ chỉ vài chục mét vuông nhưng kích điện, máy mổ giun, nhà sấy đều đầy đủ như một xưởng sơ chế.
“Bà chủ cơ sở nhanh chóng cắm kích điện xuống đất để người chồng mổ giun thị phạm. Trong chỉ vài chục phút, tất cả các ngón nghề đều được nhiệt tình truyền dạy, từ cách kích điện, mổ giun cho đến sấy giun”, phóng viên Trà My cho biết,.
Theo ghi nhận của nhóm phòng viên Đài PT-TH Phú Thọ, cơ sở này đã hoạt động được hơn 4 năm, là một trong những đầu mối mua bán giun đất và máy móc liên quan lớn tại tỉnh Phú Thọ.
Các cơ sở sơ chế làm hàng đến sáng, để đủ hàng cung cấp, người kích điện bắt giun cũng lùng sục các vùng đất cả ngày lẫn đêm. Trong tiếng xuýt xoa khi dòng điện chạy, những con giun ngoi lên quằn quại, bị bắt và chuyển đến các xưởng thu mua, sơ chế giun tươi.
Phóng viên Trà My chia sẻ, khi chứng kiến những hình ảnh này, có thể thấy số lượng giun đất tự nhiên bị kích điện đánh bắt và bán cho các chủ xưởng sơ chế như thế này là rất lớn. Mổ sạch, phơi ráo nước, sấy khô…giun đất đã trở thành mặt hàng được săn lùng để mua bán kiếm lời. Một mạng lưới kinh doanh khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải rùng mình và đặt ra câu hỏi, điều gì đã khiến người dân bất chấp nhiều nguy cơ để săn lùng loài sinh vật hiền lành, vô hại này?
“Đáng lo ngại nhất là với các khu vực bị kích điện bắt giun, bộ rễ cây trồng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thường phải mất từ 3 đến 5 năm, những vùng đất này mới có thể hồi phục. Một cái giá quá đắt phải trả đối với người nông dân canh tác, trồng trọt trên đất”, Trà My bày tỏ.
Điều trăn trở nhất của Trà My và cộng sự là tận mắt nhìn thấy sự biến đổi trong mối quan hệ truyền thống giữa người nông dân và con giun đất – loài sinh vật được mệnh danh là “bạn của nhà nông”, “máy cày tự nhiên”. Từ xưa, người nông dân rất quý con giun đất, kinh nghiệm canh tác nhiều đời dạy lại họ rằng giun đất làm ẩm cho đất, vận chuyển đất dinh dưỡng từ bề mặt xuống các tầng đất sâu…
“Vậy nên, mối quan hệ giữa người nông dân và loài sinh vật này rất bền chặt. Thế nhưng hiện nay, ai là những người kích điện bắt giun? Chính là những người nông dân. Tại sao? Bởi lợi nhuận quá lớn và quá dễ dàng bắt được loài sinh vật hiền lành, vô hại này. Nhìn sâu vào vấn đề này, chúng ta nhận thấy rằng có một mối nguy hại, khi người nông dân sẵn sàng chấp nhận những mối nguy hại lớn làm bạc màu đất đai để săn bắt giun đất. Một sự bất chấp đáng sợ phản ánh tư duy còn hạn chế của một bộ phận người nông dân”, phóng viên Trà My chia sẻ.
Đã đến lúc giun đất cần được bảo vệ
Trà My và nhóm phóng viên khi bắt tay vào thực hiện đề tài này, nạn kích điện bắt giun đất đang diễn ra nhức nhối trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trước khi bùng lại, tình trạng này đã xuất hiện từ năm 2018 và được các cơ quan báo chí thông tin.
Tuy đây là đề tài không quá mới, nhưng tính thời sự của nó vẫn còn nguyên, bởi những tác động nó gây ra với môi trường, nền nông nghiệp, đời sống xã hội tại các vùng nông thôn hiện nay là rất rõ rệt.
Để phản ánh được rõ những tác động mạnh mẽ đó, Trà My và cộng sự cố gắng truyền tải nội dung chân thực nhất, đầy đủ nhất. Việc này tốn nhiều công sức bám nắm cơ sở, đầu mối hoạt động thu mua giun đất; tư liệu hình ảnh các cơ sở chế biến; phỏng vấn chuyên gia và đề xuất của các lãnh đạo ngành…Khối lượng nội dung tương đối lớn khiến thời gian thực hiện cũng kéo dài hơn dự tính.
“Phần dựng hình diễn ra không tốn quá nhiều thời gian nhưng phải trau chuốt khá nhiều lần để đạt được sự ưng ý. Chúng tôi cố gắng sử dụng các hình ảnh thực tế có được khi tiếp cận các cơ sở sơ chế giun, tiếng động phỏng vấn hiện trường để biểu đạt được nội dung cần truyền tải”, Trà My chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện tác phẩm, Trà My luôn băn khoăn, trăn trở với rất nhiều câu hỏi ngổn ngang, bởi nạn kích điện bắt giun đã từng diễn ra cách đây 5 năm. Đến nay các cơ sở sơ chế giun vẫn hoạt động, người dân vẫn mua bán kích điện, chờ đợi đến mùa để làm giàu từ giun đất? Tại sao chúng ta lại chậm trễ trong việc đưa ra những biện pháp quản lý mang tính triệt để hơn? Nếu còn tiếp tục “bất lực” trong công tác quản lý, những mối nguy hại nào chúng ta sẽ phải đối mặt ? Những thiệt hại nào mà chúng ta phải chấp nhận đánh đổi?
“Đó chắc chắn sẽ là cái giá rất đắt, bài học muộn màng khiến các cấp quản lý, người dân hối hận”, phóng viên Trà My nói.
Điều tâm đắc nhất đối với nhóm phóng viên khi thực hiện tác phẩm này là đã phản ánh trung thực và khá toàn diện thực trạng kích điện bắt giun đất tại địa phương đến với công chúng. “Trả lại sự sống cho đất” phần nào đã góp phần có những tác động tích cực với các địa phương, cơ quan chuyên môn để tăng cường quản lý hoạt động này và có những đề xuất với các cấp ngành Trung ương sớm có những biện pháp quản lý triệt để để xoá bỏ nạn kích điện bắt giun đất.
“Đã đến lúc giun đất cần được bảo vệ; các gia trại mua bán, sơ chế giun đất bị xoá bỏ; người dân quyết liệt phản đối với bất kỳ hành vi kích điện bắt giun nào. Cần nhận thức rõ rằng hoạt động của những nơi như thế này đang đe doạ nghiêm trọng tới nền nông nghiệp hiện nay và huỷ hoại sự sống của đất sau này. Sẽ là quá muộn nếu lại có thêm 5 năm để tiếp tục chờ đợi những giải pháp căn cơ để trả lại sự sống cho đất”, Trà My chia sẻ.
Hoàng Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/da-den-luc-tra-lai-su-song-cho-dat-post302889.html