TP – Từ khi nào, kì thi tuyển sinh lớp 10 trở thành cuộc chiến cân não đối với mỗi phụ huynh? Câu hỏi không có đáp án chính xác.
TP – Từ khi nào, kì thi tuyển sinh lớp 10 trở thành cuộc chiến cân não đối với mỗi phụ huynh? Câu hỏi không có đáp án chính xác.
Chỉ biết rằng, khi con vào lớp 6, phụ huynh đã phải lo tìm chỗ học thêm, tính toán, lựa chọn để 4 năm sau, con có cơ hội trúng tuyển vào một trường THPT công lập mong muốn.
Những đứa trẻ ngày ngày đến trường trong niềm mong mỏi, hi vọng của phụ huynh nhưng cũng chất chứa những áp lực về một chỗ học phía trước. Con đi học, nhưng phụ huynh mới là người tính toán học ở chỗ nào.
Tìm chỗ học cho con vào lớp 10 đối với phụ huynh Thủ đô giống như trò chơi may rủi. Không ai biết được tại sao năm 2024, điểm chuẩn vào Trường THPT Đoàn Kết quận Hai Bà Trưng chỉ còn 23,75/50 điểm, tụt 16,25 điểm so với năm 2023. Nếu tính toán được, chắc hẳn nhiều phụ huynh sẽ “đặt cửa” cho con.
Và cũng không ai đoán trước được, điểm chuẩn Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) mấy năm gần đây vọt lên tương đương với “ngũ hổ” của Hà Nội là THPT Kim Liên, THPT Phan Đình Phùng, THPT Chu Văn An, THPT Trần Phú, THPT Việt Đức.
Trong cuộc đua cân não của phụ huynh, chỉ thiếu 0,25 điểm thôi là tất cả cánh cửa trường THPT công lập có thể đóng lại bởi quy định nguyện vọng 2 điểm chuẩn phải cao hơn nguyện vọng 1. Những tính toán đôi khi “trật lất” nên năm nào phụ huynh cũng quay mòng mòng tìm trường, tìm lớp cho con.
Những chính sách giáo dục “xuất quỷ nhập thần”, “úp sọt” khiến phụ huynh trở tay không kịp. Đầu năm 2024, phụ huynh ngã ngửa vì Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam dừng tuyển sinh lớp 6 và 4 năm tìm lò luyện, bao nhiêu dự định cho con em bỗng chốc vô nghĩa.
Cuối năm 2024, phụ huynh cũng bật ngửa vì Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT không cho các trường THCS tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức thi tuyển. Trong khi trước đó, tại dự thảo Thông tư, Bộ GD&ĐT không đề cập đến nội dung này.
Phụ huynh kêu trời, các trường THCS chất lượng cao, THCS đặc thù tại các thành phố lớn cũng băn khoăn, bối rối không biết sẽ tuyển sinh như thế nào khi lượng thí sinh gấp nhiều lần chỉ tiêu.
Dư luận dậy sóng, lãnh đạo nhiều trường THCS từ trước đến nay tổ chức thi đánh giá năng lực phản ứng. Các thông tin công bố tuyển sinh lớp 6 trước đó của các trường này “phanh gấp”. Bộ GD&ĐT lập tức đăng đàn, ủn trách nhiệm hướng dẫn tuyển sinh cho các sở GD&ĐT.
Giáo dục cần sự đổi mới nhưng cũng cần sự ổn định bởi sự tác động của nó tới từng gia đình, từng người dân và từng thế hệ. Trong số các địa phương đã công bố kế hoạch tuyển sinh lớp 10, chỉ có 2 tỉnh không tổ chức thi tuyển là Vĩnh Long và Gia Lai.
Có lẽ, phụ huynh ở hai địa phương này là hạnh phúc nhất bởi không phải toan tính chuyện chỗ học cho con trong trường công lập. Mong rằng cơ quan quản lí khi ban hành chính sách cần có những nghiên cứu về tác động để giảm bớt áp lực vốn đã quá lớn trên vai phụ huynh.
Áp lực dân số, áp lực phân luồng sau THCS, áp lực thiếu trường, thiếu lớp đang là gánh nặng đè lên vai những phụ huynh không có điều kiện về kinh tế ở các thành phố lớn.
Nguồn: https://tienphong.vn/cuoc-chien-truong-cong-post1717850.tpo