Ngày 26-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Đức và có chương trình nghị sự dày đặc với Thủ tướng Olaf Scholz – một chỉ dấu cho thấy tham vọng của hai nhà lãnh đạo nhằm mang lại sự đoàn kết hơn trong Liên minh châu Âu (EU).
Chuyến thăm diễn ra trong 3 ngày cho thấy mối quan hệ Pháp – Đức vẫn bền chặt, bất chấp những thông tin về sự bất đồng sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo. Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz đều thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, nhưng cách tiếp cận của hai bên về sự hỗ trợ cho Kiev lại khác nhau, trong đó Đức thận trọng hơn trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bất chấp những quan điểm khác biệt, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố hai bên có “mối quan hệ cá nhân rất tốt” thể hiện qua việc thường xuyên tham vấn. Sức mạnh của sự hợp tác đặc biệt còn đến ngay cả khi hai nước có quan điểm khác nhau về các vấn đề riêng rẽ.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp kể từ sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Jacques Chirac tới Berlin vào năm 2000. Mặc dù ông Macron thường xuyên đến Berlin để đối thoại với Thủ tướng Olaf, nhưng chuyến thăm cấp nhà nước được tổ chức ở cấp độ nghi thức cao hơn, bao gồm nhiều nghi lễ và trang trọng hơn.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tiếp Tổng thống Macron ở Berlin tại nơi ở chính thức của ông là Schloss Bellevue vào ngày 26-5. Hai nhà lãnh đạo cũng tới thành phố Dresden và Münster ở phía Tây nước Đức, thăm các địa điểm mà hai nước hợp tác về đổi mới công nghệ hoặc an ninh.
Nhà nghiên cứu tại Ủy ban Quan hệ Pháp – Đức (Cerfa) có trụ sở tại Paris, Jeanette Süẞ, nhận định, mục đích của chuyến thăm là tìm ra những điểm kết nối giữa Pháp và Đức về các chủ đề như công nghệ, đổi mới, trí tuệ nhân tạo. Hiện năng lượng hạt nhân vẫn là một vấn đề gai góc giữa hai nước. Đức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào năm 2023, trái ngược hoàn toàn với Pháp, quốc gia dựa vào năng lượng hạt nhân để đáp ứng 70% nhu cầu điện của mình.
Chuyến đi của Tổng thống Macron diễn ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các đảng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu có thể giành được đa số trong cuộc bầu cử EU sắp tới. Chính vì thế, việc Pháp và Đức, hai thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong EU, quyết định củng cố quan hệ giữa lúc lục địa già đang đối mặt với nhiều thách thức được cho là tín hiệu tích cực. Mối quan hệ đặc biệt này tiếp tục là trụ cột trong chính sách đối ngoại của hai quốc gia, đồng thời là động lực đối với sự nhất thể hóa của EU.
PHƯƠNG NAM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/cung-co-quan-he-post741719.html