“Buổi trưa tôi không về nhà mà ra quán võng gần trường nhờ các bạn trẻ dạy cách sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng học tập” – bà Huỳnh Thị Thu khiến chúng tôi thán phục về tinh thần học tập khi lấy bằng cử nhân thứ 3 ở tuổi U80.



“Mái tóc bạc phơ rực nổi trên nền chiếc áo thụng màu xanh đen, nhìn cô Thu bước lên bục nhận bằng cử nhân, tôi vừa trân trọng vừa kính phục”- lời giới thiệu của TS Phan Ngọc Thạch – nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ (ĐH Đồng Tháp) về “bà cụ” sinh viên khóa 18 chuyên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại buổi lễ nhận bằng cử nhân như “chắp cánh” cho tôi lên đường ngay và luôn.
Nằm lép mình bên con rạch Long Sa, vùng ven của TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhưng chúng tôi dễ dàng tìm ra nhà bà Huỳnh Thị Thu ngay câu hỏi đầu tiên: “Nhà cô giáo nghỉ hưu đi học…”. Cơ hồ như ở Thủ phủ đất Sen Hồng này, bà là biểu tượng cho tinh thần hiếu học.
Trái với bao hình dung trước lúc lên đường về hình ảnh “rực rỡ” của cô giáo đã gây ra cơn “địa chấn” trước giờ Cao Lãnh đón nhận danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, trước mắt tôi, bà Thu giản dị như bao cụ bà vùng quê Nam bộ. Dáng hao gầy, tóc bạc trắng, giọng nói chân chất, bà dễ dàng gây thiện cảm cho người đối diện ngay phút đầu gặp gỡ. Nhưng ẩn sâu bên trong nét nhẹ nhàng, chân quê đó là cả “ý chí sắt đá” về tinh thần hiếu học.
Năm 1973, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm (Viện Đại học Cần Thơ, nay là Trường Đại học Cần Thơ), bà trở thành giáo viên dạy Văn tại tỉnh Vĩnh Long rồi sau đó xin về dạy tại quê nhà để tiện chăm sóc cha mẹ già. Rồi đúng 20 năm sau (1993), trong lúc nhiều đồng nghiệp cùng thời tất bật với chuyện chồng, chuyện con, thì cô giáo Huỳnh Thị Thu lại bước vào hành trình học tập mới khi đăng ký học lớp cử nhân Tiếng Anh do Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội tổ chức tại Đồng Tháp.
Chuyện khởi nguồn từ suy nghĩ sợ bị lạc hậu với thời đại. “Năm đó, tôi đến trường nộp hồ sơ dự thi vào đại học tiếng Anh cho người cháu, thì cũng tự quyết định đăng ký luôn cho mình” – bà Thu khiến chúng tôi xúc động khi lý giải về động cơ học bằng cử nhân thứ 2 ở tuổi tứ tuần. Không thể phủ nhận cuộc sống độc thân là điều kiện thuận lợi để cô Thu làm được điều mà nhiều đồng nghiệp khó có thể, nhưng đằng sau đó là cả tấm lòng hiếu học hiếm có.
Nhận thấy tiếng Anh đang rất thịnh hành trong đời sống xã hội và nhà trường, rồi nhớ lại những lần làm giám thị các kỳ thi, không thực sự thuần thục khi viết đề môn tiếng Anh lên bảng (trước đây bà học ngoại ngữ tiếng Pháp), bà Thu đã hạ quyết tâm đăng ký học … Sau 4 năm vừa làm trò tại trường đại học, vừa làm cô tại trường phổ thông, bà Thu hoàn thành chương trình đào tạo mà không phải thi lại bất cứ môn nào.
Sau khi nhận bằng cử nhân tiếng Anh, bà Thu trở lại trường tiếp tục làm nhiệm vụ dạy môn Văn cho đến ngày nghỉ hưu vào năm 2007. Trong lúc những “người cùng thời” an hưởng tuổi già, thì bất ngờ 10 năm sau, bà Thu lại đăng ký học và tốt nghiệp cử nhân Ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Đồng Tháp khi bước vào tuổi U80 với xếp hạng rất ấn tượng: Bằng Khá.
Đây không chỉ là chuyện hiếm có ở phạm vi trong nước. TS. Trần Thanh Tâm, giảng viên bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc, Khoa Ngoại ngữ, ĐH Đồng Tháp) chia sẻ: “Từ thực tế gần 10 năm học tập ở nước ngoài và nhiều năm dạy trong nước cho thấy, thỉnh thoảng có cụ ông, cụ bà lấy bằng cử nhân, nhưng có lẽ cô Thu là trường hợp đầu tiên và duy nhất mà tôi biết được đến nay đã lấy bằng cử nhân thứ 3 ở tuổi U80”.
Thế nhưng, với bà Thu, sự học vẫn như đang tiếp diễn: “Nếu trong vài năm tới, Đại học Đồng Tháp mở ngành tiếng Pháp, tôi sẽ đăng ký học thêm bằng cử nhân thứ 4”.





Khi nghe chúng tôi bày tỏ mong muốn viết bài về chí hiếu học của bà, bà Thu rót trà mời khách, rồi từ tốn: Cô muốn đi học để kịp hiểu biết tiến bộ của thời đại, chớ có thành tích gì to lớn đâu, sợ viết lên mọi người chê cười… ”. Thế nhưng, chỉ mới nghe được cái mục tiêu đi học độc và lạ của bà, chúng tôi không thể nào kìm được “máu nghề” nên tìm cách thuyết phục và ngỡ ngàng đến thán phục về tấm gương nghị lực.
Để học được bằng cử nhân thứ 2, bà Thu đã phải nỗ lực gấp 4 lần so với bạn học. Bên cạnh việc đảm bảo trách nhiệm của sinh viên học theo hệ tập trung, bà còn phải đảm bảo công việc của nhà giáo phổ thông, trách nhiệm “trông coi” người cháu và trực tiếp chăm sóc mẹ già bị tai biến và người cha cao tuổi đang sống chung. Nhìn bà Thu quơ 2 bàn tay liên hồi để diễn đạt guồng quay khắc nghiệt trong hành trình học tập mà ngôn từ không thể chuyển tải hết, tôi bất chợt nghĩ đến hình ảnh “chiến binh” giữa đời thường, xông pha qua mọi khó khăn, thử thách…
Tuy nhiên, điều bà khiến cho không chỉ giới trẻ mà cả những thầy cô đang giảng dạy xem như tấm gương học tập khi quyết định học và lấy bằng cử nhân thứ 3 ở tuổi U80. Năm 2018, lúc này cha mẹ đã không còn, cuộc sống độc thân và lòng ham học hỏi đã thôi thúc bà đăng ký học cử nhân Ngôn ngữ Trung Quốc tại ĐH Đồng Tháp với mục đích rất giản dị: mở mang sự hiểu biết. “Cuộc sống không ngừng phát triển, nên nếu mình không trao dồi kiến thức, sẽ bị lạc hậu… như câu ngạn ngữ mà ngày xưa tôi hay dùng để động viên học trò: “Sự học như thuyền đi trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi”- bà Thu chia sẻ.
Nhưng, khác với trăm ngàn những lần học đã trải qua trước đó, lần này bà Thu chới với tiến bộ thời đại ngay ngày đầu nhập học. “Dù đã cố hình dung hết những khó khăn của việc học đối với người có tuổi, nhưng tôi vẫn không sao hết bất ngờ”- bà Thu nhớ lại. Ngày đầu tiên đi học, bà Thu háo hức và có phần tự hào với sự chuẩn bị chu đáo của mình khi hôm trước đã cất công ra nhà sách lựa mua quyền Từ điển tiếng Trung của nhà xuất bản mới nhất… Thế nhưng, khi bước vào lớp, bất giác bà cảm giác có gì sai sai khi các cặp mắt đổ dồn về quyển từ điển dầy cộm của mình.
“Sau khi lấy lại bình tĩnh, tôi hỏi bạn trẻ ngồi cạnh… thì nhận ra mình đã quá lạc hậu vì mọi người đều sử dụng từ điển điện tử”- bà Thu bồi hồi. Ngay sau khi kết thúc buổi nhập học, bà trích 3 triệu đồng từ tiền tích luỹ lương hưu nhờ bạn học cùng lớp rành về công nghệ dẫn đi mua điện thoại thông minh rồi bắt đầu học vỡ lòng về công nghệ. “Buổi trưa tôi không về nhà mà ra quán võng gần trường, nhờ các bạn trẻ dạy cách sử dụng điện thoại thông minh, rồi ghi nhớ thật kỹ để tối về thao tác lại, ứng dụng học tập”- bà Thu khiến tôi bái phục về lòng hiếu học.
Bởi đó là cả quá trình đầy thử thách về lòng kiên nhẫn và ý chí bất khuất trước khó khăn. Không chỉ chật vật điều khiển đôi bàn tay thô ráp sau nhiều năm tất bật với công việc làm vườn để làm quen với bàn phím, … bà còn phải dùng kính lúp soi từng chút một mới nhận diện được những con chữ chi chít trên màn hình chiếc điện thoại… “Những lúc khó khăn đến mức tưởng chừng như sắp bỏ cuộc, tôi nhớ đến lời dạy: “Học để làm người” và tấm gương học ngoại ngữ của Bác Hồ làm động lực rồi từng bước vượt qua khó khăn”, bà Thu bật mí…
Nhờ đó mà bà đã nhóm lên ngọn lửa học tập và ngày càng rực sáng trong hành trình 4 năm ngồi ghế giảng đường. Không chỉ thức sớm mỗi sáng để học bài như thời học trò, bà còn là trường hợp hiếm của khoá học khi có mặt đủ các ngày học suốt 4 niên khoá. “Dù mưa hay nắng, dù chỉ cọc cạch trên chiếc xe đạp cũ, nhưng suốt 4 năm học, cô Thu luôn là người đến lớp sớm nhất và là người rời lớp sau cùng”- TS Tâm giải thích đầy tự hào: “Đến lớp sớm để chuẩn bị bài và soạn ra những thắc mắc để nhờ bạn bè giải đáp và rời lớp muộn vì mang những thắc mắc lớn hơn để hỏi giáo viên”.
Hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng cần mẫn dò từng phím điện thoại, sẵn sàng học hỏi ngay từ bạn cùng lớp đáng tuổi con cháu… không chỉ nhanh chóng giúp bà Thu rút ngắn khoảng cách, mà còn tạo ra động lực tích cực cho chính thầy cô giảng dạy trên lớp. TS Trần Minh Tâm chia sẻ: “Từ chỗ quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ vào những ngày đầu, thế rồi dần dần tôi tự thấy mình như học trò nhỏ của cô Thu. Đức tính chuyên cần… của cô như “bài giảng không lời” tiếp cho tôi có thêm động lực trong giảng dạy, nghiên cứu và hơn thế nữa”.



Sau 34 năm gắn bó với vai trò giáo viên, nghỉ hưu, bà Thu vẫn giữ mãi ngọn lửa nghề. Không còn được đến trường, cô đã dùng ngay căn nhà của mình làm nơi “rèn” học trò trong xóm. “Học trò không chỉ được dạy tiếng Anh mà còn được rèn cả về lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử nên tôi và nhiều gia đình rất an tâm gửi con em cho cô Thu”- anh Phan Văn Dũng, nhà ở xã Tịnh Thới (TP. Cao Lãnh) chia sẻ. Vì thế tuy lọt thỏm ở vùng quê, và mỗi tuần chỉ dạy 2-3 buổi, nhưng 10 năm qua, căn nhà của cô Thu lúc nào được nhiều phụ huynh đặt trọn niềm tin.
Công việc đòi hỏi nhiều, nhưng với cô Thu, đó là niềm hạnh phúc. “Mỗi khi được dạy, tôi thấy mình hạnh phúc. Vì thế tôi sẽ dạy đến khi sức khoẻ không còn cho phép”- bà Thu khẳng định như thế khi chúng tôi đặt câu hỏi khi nào mới chịu “hết giờ”. Thậm chí, theo nguyện vọng của bà, nếu học sinh có nhu cầu, bà sẽ mở thêm lớp rèn tiếng Trung.
“Đó không phải là lời nói “tự đánh bóng”. Bởi cô Thu là nhà giáo yêu nghề nhất mà tôi được biết”- ThS Lê Thanh Thủy (Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Đồng Tháp) khẳng định. Đã hơn thập kỷ trôi qua, nhưng ThS Thuỷ vẫn ấn tượng với tình yêu nghề dạy học của bà Thu. Đúng một năm sau khi cô Thu về hưu thì trường phổ thông được đầu tư xây mới. “Ngày khánh thành, sau khi tay bắt, mặt mừng với đồng nghiệp, cô xoa tay lên tấm bảng, ngước mắt nhìn căn phòng mới rồi nói: Ước gì được trẻ lại để được đứng dạy trong lớp học khang trang viết lên tấm bảng đẹp thế này”- ThS Thuỷ xúc động nhớ lại. Đó không chỉ là cảm xúc, mà là tình yêu cao cả với sự nghiệp trồng người.
“Cô Thu không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học để nhiều người noi theo, mà còn là động lực thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời cho người dân đất Sen Hồng Đồng Tháp phát huy hơn nữa danh hiệu “Thành phố học tập toàn” cầu mà UNESCO đã ghi danh cho TP. Cao Lãnh vào dịp cuối năm 2022”. Xin mượn lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu để kết thúc bài viết này như lời chúc dâng lên nhà giáo đáng kính Huỳnh Thị Thu với mong muốn ngày càng có thêm nhiều cô Thu ở mọi miền Tổ quốc để tạo ra động lực cho Việt Nam sớm “sánh vai cường quốc 5 châu” như di nguyện của Bác Hồ.
Laodong.vn