Tháng 11/2024, vụ việc một nhân viên bị sa thải vì ngủ gật trong giờ làm việc đã trở thành chủ đề nóng, thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc.
Theo 163, nhân vật chính trong vụ việc này là anh Trương, nhân viên của một công ty hóa chất ở thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô. Người đàn ông này đã có thâm niên hơn 20 năm làm việc cho công ty này và đang đảm nhiệm vị trí quản lý.
Ngày hôm đó, anh Trương đã ngủ gật tại bàn làm việc. Anh bị sa thải sau khi cấp trên check camera giám sát của công ty và thấy được hình ảnh trên. Theo chia sẻ, người đàn ông này đã tăng ca đến tận nửa đêm hôm trước nên mới dẫn đến việc anh bị buồn ngủ trong giờ làm việc vào ngày hôm sau.
Nửa tháng sau vụ việc, sau khi phòng nhân sự công ty công bố báo cáo có chữ kỹ xác nhận của anh Trương về sự việc trên, phía công ty sau khi tham khảo ý kiến của công đoàn cũng đã đưa ra thông báo chấm dứt hợp đồng làm việc với nhân viên này. Nguyên nhân được đưa ra là vì anh Trương đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng nội quy, quy định của công ty.
Thông báo nêu rõ: “Nhân viên Trương vào công ty năm 2004 và ký hợp đồng lao động không thời hạn. Tuy nhiên gần đây, nhân viên này đã vi phạm nghiêm trọng chính sách kỷ luật của công ty khi ngủ gật gần 1 tiếng trong giờ làm, gây ảnh hưởng cực kỳ xấu đến công ty. Lỗi vi phạm này được quy định rõ trong Sổ tay nhân viên. Sau khi trao đổi và thống nhất với công đoàn, công ty quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và chấm dứt quan hệ lao động với nhân viên Trương.
Không đồng tình với quyết định của công ty, anh Trương đã kiện đơn vị này ra tòa án địa phương.
Sau khi xem xét vụ việc, Tòa án nhân dân thành phố Thái Hưng nhận định hành vi ngủ gật trong giờ của anh Trương là vi phạm kỷ luật. Tuy nhiên, tòa án cho rằng mặc dù bên sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng với nhân sự khi họ vi phạm quy định, nhưng việc chấm dứt đó phải thông qua đánh giá các điều kiện cụ thể, bao gồm mức độ thiệt hại.
Xét về động cơ, tần suất, hậu quả, tác động, thiệt hại…, hành vi vi phạm kỷ luật của Trương là không thường xuyên và không gây thiệt hại lớn hay ảnh hưởng xấu đến công ty. Bên cạnh đó, trong quá trình làm việc, nhân viên này luôn có thành tích xuất sắc và đã cống hiến cho công ty suốt 20 năm qua nên toà án cho rằng việc công ty sa thải anh chỉ vì 1 lỗi vi phạm lần đầu là quá nặng và không hợp lý.
Hơn nữa, trong vụ việc này, công ty cũng không có bằng chứng chứng minh rằng các quy định liên quan trong “Sổ tay nhân viên” nội bộ của công ty được xây dựng theo quy chế dân chủ. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Thái Hưng cho rằng việc công ty trên chấm dứt quan hệ lao động với Trương là vi phạm pháp luật nên đã ra phán quyết là yêu cầu đơn vị này phải bồi thường cho anh Trương số tiền hơn 350.000 NDT (hơn 1,2 tỷ đồng).
Ánh Lê (Theo 163)
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-nhan-vien-ngu-gat-tai-ban-lam-viec-suot-1-tieng-sep-check-camera-phat-hien-lien-duoi-viec-ngay-toa-an-tuyen-bo-cong-ty-phai-den-12-ty-dong-172241230072456788.htm