Hơn 300 đảng viên công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu tại TP.HCM đã nêu nhiều ý kiến rất thiết thân về việc làm, đời sống người lao động tại chương trình Lãnh đạo TP gặp gỡ đảng viên công nhân, cán bộ công đoàn tiêu biểu ngày 18-2.

Phó bí thư Thành ủy – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc (phải) gặp gỡ cán bộ công đoàn tiêu biểu của TP – Ảnh: VŨ THỦY
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang đứng trước thực trạng khó tuyển đủ nhu cầu xuất phát từ thực tế đời sống người lao động ngoại tỉnh đến thành phố làm việc còn nhiều khó khăn về nhà ở, chuyện học hành cho con cái cùng với chi phí sinh hoạt thuộc vào hàng đắt đỏ nhất cả nước.
Công đoàn phải là cơ quan chủ trì, giúp đỡ kịp thời khi người lao động gặp rủi ro trong nền kinh tế như thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng để họ sớm quay lại thị trường lao động.
Ông NGUYỄN PHƯỚC LỘC
Ai cũng muốn yên tâm làm việc
Ông Nguyễn Cao Phong – chủ tịch công đoàn một công ty may tại quận 12 – nói thu nhập của người lao động công ty mình hiện khoảng 9 triệu đồng nên nếu muốn đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày, nuôi con học hành, họ buộc phải làm việc ngoài giờ.
“Hầu như công nhân công ty đều đi làm thêm ngoài giờ, nhiều nhất là chạy xe công nghệ và nhận thêm hàng lẻ ở ngoài về làm”, ông Phong cho biết.
Công ty này đã mở thêm nhà máy ở Bến Tre có quy mô nhân sự còn lớn hơn nhà máy tại TP.HCM. Việc tuyển dụng lao động tại địa phương dễ dàng hơn nhưng tác phong công nghiệp của người lao động tại TP.HCM tốt hơn ở Bến Tre. Hiện nhà máy Bến Tre có khoảng 2.000 lao động trong khi ở TP.HCM chỉ khoảng 900 người.
Trong khi đó, ông Củ Phát Nghiệp – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) – cho biết công ty có nhu cầu tuyển khoảng 4.000 lao động để mở các chuyền mới năm nay. Dù có nhiều chính sách thu hút tuyển dụng, thưởng cho người giới thiệu nhưng vẫn khó tuyển đủ.
“Nhiều tỉnh thành đã có các khu công nghiệp nên người lao động có nhiều lựa chọn hơn. Đến TP.HCM, người lao động chịu thêm nhiều gánh nặng, chi phí sinh hoạt, học tập cho con cái đều cao hơn, đặc biệt là vấn đề nhà ở”, ông Nghiệp chia sẻ.
Ông Nghiệp dành gần như toàn bộ thời gian thay mặt người lao động nói lên nguyện vọng về nhà ở xã hội. Bởi thực tế nhiều cặp vợ chồng vào TP.HCM làm nhưng con cái phải gửi cha mẹ ở quê.
Theo ông, chi phí thuê nhà ở và nhiều chi phí khác tại TP.HCM chiếm tỉ lệ cao trong khi mức lương tối thiểu vùng của người lao động TP và các tỉnh chênh không nhiều. Từ đó, nhiều người chọn làm việc ở quê để được gần gũi cha mẹ, con cái, bạn bè.
“Chỉ có chính sách nhà ở xã hội bán với giá phù hợp thu nhập, người lao động ngoài tỉnh mới tính toán lại việc bám trụ cùng TP.HCM. Nếu sau 20-30 năm làm việc họ có căn nhà riêng mơ ước, được ở cùng gia đình mới có thể tập trung làm việc, gắn bó lâu dài với TP”, ông Nghiệp bày tỏ.
Công đoàn cần làm nhiều hơn nữa
Phó bí thư Thành ủy – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Nguyễn Phước Lộc cùng Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường có mặt tại buổi đối thoại.
Lắng nghe các phát biểu, ông Nguyễn Phước Lộc đề nghị Liên đoàn Lao động TP.HCM phải ghi nhận đầy đủ ý kiến. Việc tiếp theo cần làm là xem xét, xây dựng các giải pháp phù hợp, đề đạt các cơ quan liên quan sao cho chăm lo tốt hơn cho người lao động về nhiều vấn đề.
Ông Lộc yêu cầu công đoàn phải phối hợp làm tốt việc đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động để thích ứng với tình hình mới.
“Giai đoạn sắp tới với sự đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, dự báo nhu cầu nhân lực có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi người lao động phải có trình độ, tay nghề cao hơn cũng là đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức công đoàn”, ông Lộc nhận định.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh đề nghị nhiều việc cần tập trung làm sắp tới. Trong đó tổ chức Công đoàn TP.HCM cần có nhiều cuộc đối thoại ở cấp doanh nghiệp về tiền lương, thưởng, giờ làm việc.
Cũng rất cần thường xuyên thăm hỏi, động viên người lao động từ nguồn tài chính của công đoàn, hướng mạnh về công đoàn cơ sở để xây dựng đội ngũ công đoàn vững mạnh.
“Chúng tôi cho rằng công tác đối thoại, ký thỏa ước lao động mang lại điều kiện có lợi hơn cho người lao động là việc chăm lo thiết thực và tốt nhất cho đoàn viên, người lao động”, ông Anh đánh giá.
Nâng mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân
Ông Trần Thanh Sơn – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH may Song Ngọc (quận Bình Tân) – nêu thu nhập trung bình của người lao động tại công ty khoảng 12 triệu đồng. Tuy nhiên chi phí thuê nhà, nuôi con ăn học đã chiếm phần lớn.
Để hỗ trợ thu hút lao động, ông Sơn nói chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự chung tay của chính quyền TP. “Cần xem xét điều chỉnh mức tính thuế thu nhập cá nhân, tăng mức giảm trừ với người phụ thuộc. Không thể đánh đồng như các tỉnh thành vì chi phí và giá cả của TP.HCM thuộc loại đắt nhất cả nước”, ông Sơn kiến nghị.
Phát triển Đảng trong doanh nghiệp
Ông Lý Khánh Hoàng – chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Seecom Fashion Group (huyện Bình Chánh) – cho biết việc giới thiệu đoàn viên ưu tú để xem xét phát triển Đảng tại khu vực doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều khó khăn. Có lý do từ chủ doanh nghiệp chưa quan tâm việc thành lập tổ chức Đảng và phát triển đảng viên tại đơn vị, kể cả đoàn viên, người lao động cũng chưa nhiều nhu cầu.
“Cùng với nâng cao nhận thức cho người lao động về Đảng, tổ chức Đảng và chính quyền cần tăng cường thực thi công vụ liêm chính, sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo thuận lợi về thuế, an ninh trật tự, kết nối ngân hàng trong vốn vay, địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn…”, ông Hoàng nêu ý kiến.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cong-nhan-can-nhieu-ho-tro-de-bam-tru-20250218232800785.htm