Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần đạt tốc độ tăng trưởng 9,7% trở lên.
Kịch bản nào cho tăng trưởng GDP 8% trở lên?
Tại Đề án bổ sung về phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên được Chính phủ trình Quốc hội nêu rõ, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số bắt đầu từ năm 2026. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.
![]() |
Trong kịch bản tăng trưởng GDP 8% trở lên, tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 9,5% trở lên. Ảnh minh hoạ |
Trong kịch bản tăng trưởng GDP 8% trở lên, tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên; dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp – xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Đề án cũng đưa ra 6 giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, bao gồm: Hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch; giải pháp về xuất khẩu; thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
![]() |
Công nghiệp chế biến, chế tạo hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Ảnh minh hoạ |
Tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ cũng đưa ra giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo, Chính phủ yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, khu vực tư nhân, các doanh nghiệp lớn, có tác động và đóng góp lớn đối với nền kinh tế.
Cùng với đó, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.
Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin – cho”, đầu tư công dàn trải.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán, có cơ chế, chính sách đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực từ bên ngoài. Tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Phát huy hiệu quả cơ chế Tổ công tác nhằm chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành. Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới.
Phát huy hiệu quả các ban chỉ đạo, tổ công tác để rà soát, có giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, dự án giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác…; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025. Thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư hạ tầng chiến lược với khai thác các hành lang phát triển mới. Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi. Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới, hoàn thành trong tháng 2/2025.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, Chính phủ yêu cầu phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ đầu tư; khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững… |
Nguồn: https://congthuong.vn/cong-nghiep-che-bien-che-tao-can-tang-97-trong-nam-2025-373402.html