Dù công nghệ có hiện đại đến đâu, điều quan trọng nhất vẫn là giữ được tinh thần và bản chất của lễ hội văn hóa…
![]() |
Hát Quan họ trên thuyền tại lễ hội Lim. (Nguồn: Bộ VHTT&DL) |
Làm mới lễ hội
Lễ hội đầu năm không đơn thuần là sự kiện văn hóa, mà còn là sợi dây kết nối sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với cội nguồn dân tộc. Trong dòng chảy của thời gian, lễ hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt, giúp nhớ về những giá trị truyền thống và gìn giữ bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ.
Để lễ hội đầu năm vẫn giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi, chúng ta không chỉ bảo tồn mà còn phải tìm cách phát huy, làm mới nó một cách phù hợp với thời đại. Việc đầu tiên cần làm là bảo vệ tính nguyên bản của lễ hội, tránh thương mại hóa hoặc biến tấu quá mức khiến lễ hội mất đi tinh thần vốn có. Tôi từng thấy nhiều lễ hội truyền thống bị “hiện đại hóa” quá đà, trở thành những sự kiện hoành tráng nhưng lại thiếu đi linh hồn, nơi mà những nghi thức văn hóa bị thay thế bởi sân khấu biểu diễn, âm thanh rộn ràng nhưng không còn chiều sâu văn hóa.
Truyền thông cần đóng vai trò định hướng, khai thác những câu chuyện văn hóa đằng sau mỗi nghi lễ, mỗi tập tục. Muốn vậy, cần có sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại. Quan trọng nhất, mỗi người tham gia lễ hội không chỉ là khán giả, mà còn là một phần của câu chuyện văn hóa, tiếp nối truyền thống, để những giá trị tốt đẹp ấy không chỉ dừng lại trong hiện tại mà còn lan tỏa đến tương lai.
Công nghệ làm cầu nối
Việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động trong lễ hội là xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại. Tôi từng chứng kiến những lễ hội truyền thống ít được biết đến, chỉ gói gọn trong phạm vi một làng, một vùng, nhưng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, đặc biệt là truyền thông trực tuyến, mạng xã hội mà những lễ hội này dần được lan tỏa.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng công nghệ một cách không kiểm soát, lễ hội có thể mất đi sự chân thật và trở nên xa rời với giá trị gốc. Một số nơi biến lễ hội thành sự kiện hoành tráng với quá nhiều màn trình diễn sân khấu hiện đại, ánh sáng rực rỡ, đến mức làm lu mờ những nghi thức truyền thống quan trọng. Vậy nên, điều quan trọng không phải là có sử dụng công nghệ hay không, mà là sử dụng nó một cách hài hòa, có chọn lọc. Chúng ta có thể áp dụng công nghệ để quản lý và bảo tồn di sản tốt hơn, nhưng không nên để công nghệ lấn át giá trị nguyên bản của lễ hội. Làm được điều này, công nghệ trở thành công cụ giúp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa theo cách bền vững nhất.
![]() |
ĐBQH. Bùi Hoài Sơn. |
Ngoài việc phát trực tiếp, tôi thấy một số địa phương đã ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) để tái hiện không gian lễ hội truyền thống. Chẳng hạn, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, du khách hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ AR để nhìn thấy khung cảnh của những lễ hội cung đình xưa ngay trên màn hình điện thoại. Đây là một cách làm rất sáng tạo, vừa giữ được giá trị truyền thống, vừa tạo trải nghiệm mới.
Một hình thức kết hợp công nghệ khác mà tôi thấy rất hiệu quả là ứng dụng di động và mã QR trong các di tích. Tại một số điểm tổ chức lễ hội, ban quản lý đã cung cấp mã QR để du khách có thể quét và đọc thông tin về lịch sử, ý nghĩa của lễ hội, thay vì chỉ xem những tấm bảng giới thiệu đơn giản như trước đây. Ở một số nơi như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hệ thống thuyết minh tự động bằng giọng nói qua ứng dụng di động giúp du khách có thể hiểu rõ hơn về các nghi thức, không gian văn hóa mà họ đang trải nghiệm. Nếu các lễ hội khác cũng áp dụng mô hình này sẽ giúp du khách, đặc biệt là giới trẻ, có cái nhìn sâu sắc hơn về giá trị truyền thống mà vẫn bảo đảm tính tiện lợi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là giữ được tinh thần và bản chất của lễ hội. Công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp lan tỏa và nâng cao trải nghiệm, chứ không thể thay thế hoàn toàn những giá trị văn hóa gốc. Vậy làm thế nào để cân bằng giữa gìn giữ truyền thống và tiếp thu cái mới? Tôi nghĩ, phải đặt công nghệ vào đúng vị trí của công cụ hỗ trợ, chứ không phải là yếu tố chi phối. Ngoài ra, giáo dục về văn hóa truyền thống là yếu tố cốt lõi để cân bằng giữa hiện đại và truyền thống. Khi thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa thực sự của lễ hội, họ không chỉ tiếp cận lễ hội như một sự kiện giải trí, mà còn có ý thức giữ gìn nó.
Thời đại công nghệ phát triển, việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội mới. Quan trọng là chúng ta phải biết điều chỉnh, sử dụng công nghệ một cách hợp lý. Các ứng dụng di động có thể giúp nâng cao trải nghiệm lễ hội đáng kể. Thay vì chỉ đến lễ hội theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, du khách có thể sử dụng các ứng dụng để tìm hiểu trước về lịch sử, ý nghĩa của lễ hội. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, việc sử dụng nền tảng trực tuyến có thể làm giảm tính chân thực và bản sắc của lễ hội. Vì vậy, cách tốt nhất để cân bằng giữa công nghệ và truyền thống là sử dụng nền tảng trực tuyến như một phương tiện hỗ trợ, chứ không phải thay thế trải nghiệm thực tế.
Thêm nữa, một cách làm khác cũng rất hay là kết hợp nền tảng trực tuyến với các chương trình giáo dục về văn hóa truyền thống.Như thế, nếu biết ứng dụng công nghệ đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể thu hút giới trẻ và du khách quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của lễ hội.
Công nghệ có thể là cầu nối các giá trị văn hóa đi xa hơn, đến được với nhiều thế hệ hơn. Điều cần nhất là chúng ta biết cách sử dụng khéo léo, có chọn lọc, để lễ hội vẫn giữ được hồn cốt riêng có, đồng thời cũng không bị lạc hậu trong dòng chảy của thời đại.
Nguồn: https://baoquocte.vn/cong-nghe-dua-gia-tri-van-hoa-di-xa-hon-304995.html