Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) 2025 đang gấp rút hoàn thành những bước cuối cùng và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 2/2025 với một số điều chỉnh so với dự thảo đã công bố.

Sẽ bỏ xét tuyển sớm đại học
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2025 đã được đăng tải rộng rãi trên mạng và trải qua thời gian tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là từ phía các thí sinh và các chuyên gia, các nhà giáo dục, các bộ, ngành địa phương. Để thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh, quy chế mới sẽ bỏ xét tuyển sớm thay vì khống chế 20% chỉ tiêu như dự thảo. Bà Thủy nhấn mạnh, quy chế đề cập tới không phải là phương thức xét tuyển mà là về mặt thời gian, các trường không cần tổ chức xét tuyển sớm. Tất cả sẽ tuân theo quy trình xét tuyển chung, hỗ trợ xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ GDĐT.
Đối với phương thức xét tuyển thẳng, các thí sinh thuộc diện đối tượng để xét tuyển thẳng sẽ thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GDĐT.
Về việc áp dụng kết quả học tập ở bậc THPT để xét tuyển, các trường phải dùng cả kết quả học tập ở năm lớp 12 cả hai học kỳ để xét tuyển thay vì chỉ dùng kết quả học tập đến học kỳ I năm lớp 12 như quy định hiện hành. Điều này nhằm tác động ngược trở lại tới giáo dục phổ thông, để học sinh không bỏ lỡ những kiến thức quan trọng nhất của lớp 12.
Liên quan tới yêu cầu các cơ sở đào tạo sẽ cần phải có cách thức quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, giữa các tổ hợp xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, đây là quy định bắt buộc để đảm bảo các thí sinh trúng tuyển được công bằng trong xét tuyển khi sắp xếp theo đúng năng lực nội tại, năng lực phẩm chất cốt lõi của các em. Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo, những ngành đào tạo cụ thể. Các trường không cần thiết phải phân bổ các chỉ tiêu cho từng phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Việc quy đổi tương đương sẽ giúp lấy thí sinh trúng tuyển từ cao xuống thấp.
“Quy định bỏ xét tuyển sớm và yêu cầu quy đổi điểm tương thương đều nhằm tạo cơ hội tốt nhất và công bằng nhất cho các em trong quá trình xét tuyển. Điều này không phải là làm giảm đi cơ hội của các em vì về bản chất, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, chỉ vào học ở một ngành, ở một trường ĐH. Không phải vì xét tuyển sớm thì các em sẽ tăng cơ hội trúng tuyển” – bà Thủy nói và cho biết thêm, mỗi thí sinh có thể đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng chính là cơ hội tốt. Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT sẽ giúp các em trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất theo thứ tự ưu tiên do các em sắp xếp.
Lưu ý với chứng chỉ ngoại ngữ
Theo quy chế mới đang được hoàn thiện, các trường sẽ được quy đổi kết quả các chứng chỉ ngoại thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển. Điều này giúp thí sinh không nhất thiết phải tham dự môn thi tốt nghiệp là môn ngoại ngữ nếu đã có chứng chỉ ngoại ngữ. Các trường ĐH, cao đẳng cần nắm rõ điểm mới này để có thể chủ động trong việc hình thành những phương thức, tổ hợp xét tuyển. Lưu ý, các chứng chỉ ngoại ngữ này đã được nêu rõ trong phụ lục của quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025.
Đặc biệt, quy chế mới cũng bỏ đi yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình đào tạo chỉ có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển như dự thảo đề cập. Dự kiến sẽ không giới hạn tối đa số tổ hợp xét tuyển cho một chương trình hay một ngành. Lý do là nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh có thể trúng tuyển vào những ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo ở những trường mà mình mong muốn. Hiện nay số lượng các môn thi tốt nghiệp nhiều lên so với các năm trước nhưng mỗi thí sinh chỉ được thi 4 môn, nên số tổ hợp có thể có được từ những môn thi này sẽ không quá lớn. Do đó, việc giới hạn cho một chương trình, một ngành cũng không cần thiết ở trong trường hợp này để các trường có thể chủ động trong việc xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp với ngành và chương trình đào tạo phù hợp.
Đối với điểm ưu tiên, quy định mới yêu cầu điểm cộng ưu tiên đối với chứng chỉ ngoại ngữ của mỗi thí sinh sẽ không vượt quá 10% mức điểm tối đa, không tính điểm ưu tiên thí sinh được hưởng về khu vực, đối tượng ưu tiên. Đồng thời, tổng điểm xét tuyển của thí sinh cũng không được vượt quá mức điểm tối đa. Ví dụ, nếu thang điểm 30 là tối đa thì sẽ không có điểm 31, 32… bao gồm các loại điểm ưu tiên, hỗ trợ.
Riêng các quy định liên quan tới ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sư phạm, đào tạo sức khỏe sẽ vẫn giữ nguyên như quy chế hiện hành để thí sinh yên tâm áp dụng, chuẩn bị kỹ càng trước khi xét tuyển.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-cong-bang-voi-moi-thi-sinh-10299996.html