Hơn chục năm trước, ông Dư Văn Út (61 tuổi, ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tình cờ bắt được cặp rắn ri tượng (rắn ri voi) trong lúc làm đồng nên đem về nuôi, không ngờ cặp rắn này đã mở ra hướng làm ăn mới, giúp gia đình ông có thu nhập tốt hơn.
Ở xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, ông Dư Văn Út được xem là người tiên phong với mô hình nuôi rắn ri tượng.
“Năm 2008, trong một lần làm đồng, tôi vô tình bắt được 1 cặp rắn ri tượng nên đem về nuôi, không ngờ thời gian sau chúng sinh sản được vài chục con rắn con, lúc đó tôi mới nghĩ đến việc áp dụng mô hình nuôi rắn”, ông Út nói và cho biết, cơ duyên của ông đến với nghề nuôi rắn cũng bắt đầu từ đó.
Theo ông Út, nghề nuôi rắn không cần tốn nhiều chi phí và công chăm sóc, nhưng lợi nhuận mang đến rất khả quan.
“Khi rắn còn nhỏ, tôi bắt nhái cho ăn 3 lần/tháng đến khi chúng trưởng thành thì cho ăn bằng cá phi có sẵn trong vuông tôm”, ông Út chia sẻ thêm.
Ông Dư Văn Út (61 tuổi, ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thành công với mô hình nuôi rắn ri tượng (rắn ri voi), đem về nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: An An
Để mở rộng mô hình làm ăn mới này, ông Út đầu tư xây nhiều hồ nuôi, với kích cỡ chiều dài 1,5m, ngang 1m và lót gạch nền nhằm hạn chế việc rắn bị trầy da, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng.
Với kinh nghiệm nuôi rắn nhiều năm, ông Út cho biết, khi rắn bị bệnh ngoài da, ông trị bằng cách cho chúng vào thùng, rồi bỏ ít muối hột vào sát khuẩn khoảng 20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch và bỏ lại hồ nuôi.
Với cách nuôi này ông Út phát triển mô hình nuôi của mình hàng chục năm qua. Hiện tại, có thời điểm ông xuất bán ra thị trường hàng nghìn con rắn giống, với giá bán từ 80.000 – 100.000 đồng/con, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.
Từ mô hình nuôi rắn của ông Út mang lại hiệu quả, nhiều hộ dân ở địa phương đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi để áp dụng.
Điển hình như hộ ông Trần Văn Thuận (60 tuổi; ngụ xã Khánh Bình). Ông Thuận cho biết, sau khi nắm bắt được kỹ thuật nuôi, ông về đầu tư chuồng trại nuôi rắn ri tượng, và cũng đã thành công.
“Rắn ri tượng chỉ sinh sản 1 lần trong năm, nên vào tháng 7 (âm lịch), tôi cho rắn đực và cái vào chung hồ để phối giống khoảng 60 ngày thì tách ra cho rắn cái sinh sản”, ông Thuận nói và cho biết, với hơn 80 con rắn bố mẹ hiện tại, gia đình ông thu về hàng chục triệu đồng sau mỗi lần bán rắn giống.
Ông Dương Minh Sang – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời nhận định, mô hình nuôi rắn ri tượng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân tại địa phương.
“Thời gian qua, UBND xã Khánh Bình cũng khuyến khích người dân áp dụng mô hình trên để phát triển kinh tế”, ông Sang nói.
Nguồn: https://danviet.vn/con-ran-ri-tuong-to-map-ong-nong-dan-ca-mau-nuoi-thanh-cong-ban-lam-con-dac-san-ma-trung-lon-20250128151816995.htm