Anh Nguyễn Văn Ngoan, ấp Phú Lâm, xã Đông Thái, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) cho biết, con ba ba là động vật ăn thịt. Thức ăn chủ yếu của ba ba là các loại tạp dồi dào, có sẵn tại địa phương. Anh bán lứa đầu với sản lượng 7 tấn ba ba thương thẩm, giá ba ba là 150.000 đồng/kg, tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Năm 2024, Uỷ Ban Nhân Dân xã Đông Thái, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) đã tổ chức cho Hội, Đoàn thể xã, Tổ kinh tế kỹ thuật và đại diện các hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tham quan trao đổi kinh nghiệm mô hình nuôi ba ba thương phẩm trong ao đất của gia đình anh Nguyễn Văn Ngoan tại ấp Phú Lâm, xã Đông Thái.
Tại điểm tham quan, anh Nguyễn Văn Ngoan đã giới thiệu về mô hình nuôi ba ba. Anh cho biết, với 6.300m2 đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả, anh mạnh dạn tu sửa lại và xây dựng thành 7 ao nuôi ba ba.
Mỗi ao ba ba rộng 900m2, anh thả nuôi tổng cộng 14.000 con ba ba giống, giá bán ba ba giống là 3.000 đồng/con, chi phí tiền ba ba giống hết 42 triệu đồng.
Sau thời gian từ 8 – 10 tháng nuôi là anh bắt đầu phân loại ba ba theo kích cỡ, trọng lượng và thu hoạch lứa đầu với sản lượng 7 tấn ba ba thương thẩm.
Anh Nguyễn Văn Ngoan ba ba thương phẩm giá 150.000đồng/kg, tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 400 triệu đồng.
Theo anh Ngoan về kỹ thuật nuôi con đặc sản này cũng đơn giản: Muốn nuôi ba ba thành công, trước khi thả nuôi phải phơi ao, sử dụng vôi bột để diệt sạch mầm bệnh.
Các con ba ba thương phẩm bắt lên từ ao nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Ngoan, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Đông Thái, huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang). Nuôi ba ba là mô hình nuôi con đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao.
Đa số người nuôi ba ba trong ao đất hiệu quả thấp vì số lượng ba ba thất thoát nhiều trong lúc nuôi. Vì vậy trong quá trình nuôi phải rào bằng tôn Fibro xi măng xung quanh ao để tránh ba ba bò và đào hang đi nơi khác.
Ao nuôi ba ba phải có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt và phải chủ động nguồn nước sạch để thay nước thường xuyên tránh ô nhiễm, dùng BKC hoặc thuốc tím sử dụng định kỳ 15 ngày/lần, để diệt khuẩn, sát trùng, hạn chế mầm bệnh cho con ba ba.
Ba ba là động vật ăn thịt, thức ăn chủ yếu của loài ba ba là cá tạp đây là nguồn thức ăn dồi dào và có sẵn tại địa phương nên rất thuận tiện cho việc chăm sóc.
Tuy nhiên thức ăn cho con ba ba cần phải tươi, sạch, không có mùi hôi, bên cạnh đó cần phối trộn với vitamin khoáng chất, thuốc phòng bệnh vào thức ăn để loài vật nuôi này tăng cường sức đề kháng và tăng trọng nhanh. Đối với ba ba 2 tháng tuổi, mỗi ngày cho ăn 2 lần, loại ba ba 4 tháng trở đi chỉ 1 lần/ngày.
Có thể thấy, nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên mô hình nuôi ba ba của anh Ngoan đã được nhiều hộ trong và ngoài xã tham quan học tập.
Kết thúc buổi tham quan, lãnh đạo UBND xã Đông Thái (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) đã chỉ đạo các tổ chức Hội, Đoàn thể tăng cường hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu nuôi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để có vốn đầu tư mở rộng quy mô; Tổ kinh tế kỹ thuật xã, các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kiến thức, kinh nghiệm sản xuất…
Đặc biệt nhân rộng mô hình nuôi ba ba-mô hình nuôi con đặc sản và hình thành tổ hợp tác trong sản xuất, từng bước hình thành chuổi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để nông dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.
Nguồn: https://danviet.vn/con-ba-ba-to-bu-la-con-dac-san-ong-nong-dan-kien-giang-nuoi-thanh-cong-bat-7-tan-van-ban-het-20250119220118893.htm