Tập đoàn Hoa Sen dự kiến mua lại 50-100 triệu cổ phần, hoặc mức tối đa thuộc phạm vi thẩm quyền mà công ty được phép mua lại (30% tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành).

Giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen giảm mạnh trong bối cảnh khó khăn bủa vây ngành thép – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông sắp tổ chức vào khoảng giữa tháng 3 tới.
Tại kỳ họp thường niên này, HSG dự kiến sẽ trình cổ đông chủ trương mua lại 50-100 triệu cổ phiếu hoặc mức tối đa 30% cổ phần đã phát hành theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Doanh nghiệp dự kiến dùng thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để thực hiện giao dịch nêu trên.
Ước tính với thị giá hiện tại 17.750 đồng, doanh nghiệp do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch có thể chi khoảng 880 – 3.300 tỉ đồng mua lại cổ phiếu, tùy số lượng.
Về thời gian, HSG cho biết sẽ ủy quyền cho hội đồng quản trị căn cứ vào sự cần thiết và diễn biến thị trường chứng khoán để quyết định thời điểm triển khai hợp lý. Tuy nhiên, sẽ trong khoảng thời gian kể từ ngày được đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương cho đến kỳ họp đại hội đồng cổ đông tiếp theo.
Mục đích việc mua lại cổ phiếu, theo ban lãnh đạo HSG, là “biện pháp dự phòng để bảo vệ lợi ích cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của tập đoàn”.
Dữ liệu cho thấy thị giá HSG đã giảm khoảng 18% sau một năm gần đây, nhưng giảm gần 30% so với mức đỉnh đã thiết lập năm ngoái.
Động thái mua lại cổ phiếu cũng xuất hiện cùng thời điểm ban lãnh đạo HSG dự báo thị trường tôn thép biến động phức tạp, tạo ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp.
HSG cho biết toàn cầu hóa bị đảo lộn nghiêm trọng. Nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ… đang áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất gay gắt.
“Trong bối cảnh chuyển giao quyền lực chính trị tại Mỹ, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại rất lớn. Do đó xuất khẩu tôn và thép đối mặt nhiều thách thức, khó đảm bảo thị phần ổn định”, HSG thông tin tới cổ đông.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp. Thêm nữa, nguồn cung sản phẩm tôn thép đang dư thừa, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, khó đảm bảo biên lợi nhuận.
Hoa Sen đặt mục tiêu lãi ra sao trước biến động lớn ngành thép?
Tập đoàn Hoa Sen dự kiến kết quả kinh doanh niên độ tài chính 2024 – 2025 giảm so với năm trước với hai kịch bản.
Với kịch bản 1 thận trọng hơn, HSG dự kiến doanh thu sẽ giảm 11% xuống 35.000 tỉ đồng và lãi sau thuế hạ 22% xuống 400 tỉ đồng.
Ở kịch bản 2 và cũng khả quan hơn, HSG dự kiến sản lượng tiêu thụ tương đương năm trước. Theo đó, doanh thu thuần đạt 38.000 tỉ đồng và lãi sau thuế 500 tỉ đồng, giảm khoảng 3% so với niên độ trước.
Năm ngoái, HSG ghi nhận doanh thu thuần 39.272 tỉ đồng, còn lợi nhuận 515 tỉ đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-phieu-lao-doc-tap-doan-thep-ong-le-phuoc-vu-he-lo-thuong-vu-nghin-ti-cuu-gia-20250225213621285.htm