Thông tư 29 được áp dụng, việc dạy thêm, học thêm bị siết chặt. Với nhiều học sinh và phụ huynh có con đang học cuối cấp, câu hỏi đặt ra là: “Có nên “quay xe” trước cánh cửa ngành Sư phạm?”.
Chột dạ vì nghề giáo bị dèm pha?
N.M.L là học sinh lớp 12 tại TP.HCM, ngay từ nhỏ, em đã ước ao mình có thể trở thành một nhà giáo. Đối với L., nghề giáo luôn là một nghề cao quý và là mục tiêu em hướng tới. Những tưởng với niềm đam mê đó, L. sẽ không ngần ngại khi suy nghĩ về ngành nghề trong đợt đăng ký nguyện vọng vào đại học sắp tới. Thế nhưng những ngày này, L. lại cảm thấy chênh vênh trước lựa chọn của mình.
“Đọc những bình luận trên mạng xã hội, chưa bao giờ em thấy giáo viên bị lên án nhiều như thế. Thậm chí, nhiều người coi giáo viên dạy học thêm như tội phạm. Trong khi việc dạy thêm là mối quan hệ cung – cầu” – L. tâm sự.

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều học sinh cuối cấp đang cố gắng ôn tập để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT sắp tới. Ảnh: Nguyệt Minh
L. chia sẻ, nếu gia đình em có điều kiện, không phải vướng bận về chuyện kinh tế, có lẽ em vẫn yên tâm theo đuổi ngành Sư phạm. Nhưng với những quy định mới được đề ra, L. cảm thấy tiếp tục cố gắng theo đuổi, con đường này sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Còn với chị Phạm Anh Như (Gò Vấp), đây là thời gian khó khăn để chị cùng con đưa ra quyết định. Theo chị, để đỗ vào ngành Sư phạm vốn đã khó, khi học xong ra trường còn phải trải qua kỳ thi tuyển công chức. Để có thể trở thành một giáo viên trường công là con đường không hề dễ dàng.
“Trước đây, con tôi rất muốn học ngành Sư phạm Tiểu học, gia đình luôn ủng hộ vì cho rằng đó là đam mê của con. Cùng với đó, tôi cũng thấy mặc dù đồng lương không cao, nhưng đây là một nghề ổn định và con có thể đi dạy thêm. Thế nhưng theo Thông tư 29, giáo viên Tiểu học hiện tại hoàn toàn không được dạy thêm. Vì thế, tôi cảm thấy rất lo lắng cho tương lai của con nếu theo ngành” – chị Như tâm sự.
Trên nhiều diễn đàn lớn, cũng có không ít bình luận với nội dung khuyên nhủ các học sinh nên cân nhắc kĩ trước khi học ngành Sư phạm. Có ý kiến cho rằng, với những quy định hiện tại, ngành Sư phạm chỉ mang đến mức thu nhập ổn định, nếu muốn có một mức thu nhập đột phá cần phải có lựa chọn khác.
Chia sẻ với Dân Việt, một bạn đọc cho rằng : “Mức lương khởi điểm của nghề giáo không quá cao, và việc dạy thêm ở các trung tâm bên ngoài cũng sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm để trả lương. Bởi thế, giáo viên mới ra trường sẽ rất khó để có một mức thu nhập tốt. Tuy nhiên, nếu vượt qua được giai đoạn từ 3 đến 5 năm, mọi thứ sẽ ổn hơn”.
“Nghề giáo vẫn là một nghề cao quý, xứng đáng để cống hiến”
Gắn bó với nghề giáo gần 30 năm, thầy Trần Anh Khoa – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Y Tý (Lào Cai) luôn không ngừng cống hiến cho ngành giáo, cho những học sinh của mình.
Vốn là một hiệu trưởng vùng cao, được dọc xuôi khắp những ngôi trường nằm ở vị trí sâu nhất, xa nhất của Lào Cai là niềm hạnh phúc lớn lao với thầy, việc nỗ lực giúp một ngôi trường tốt hơn không phải để được cấp trên đánh giá cao, đó chỉ đơn giản là cái tâm, là là trách nhiệm của người làm nghề giáo.

Khung cảnh một lớp học tại Điểm trường Nậm Vì – Trường PTDTBT TH Chung Chải 2 (Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Đào Tuấn
“Đặc thù ngành giáo dục ở những huyện vùng sâu, vùng xa có nhiều khác biệt. Làm công tác dạy học và quản lý suốt nhiều năm, tôi khẳng định những giáo viên đã và đang công tác cùng tôi chưa từng đi dạy thêm để lấy tiền. Thậm chí, giáo viên còn tự nguyện bồi dưỡng thêm cho học sinh mà không có phụ cấp” – thầy Khoa tâm sự.
Nói về tiền lương, thầy Khoa cho biết giáo viên vùng cao luôn nhận được sự quan tâm của nhà nước. Dù thu nhập không quá dư giả, nhưng cũng đủ sống. “Nếu thật sự có đam mê và cố gắng, tôi tin các bạn sẽ nhận được niềm vui khi làm nghề. Đặc biệt với các bạn trẻ, không nên vì lo sợ mà không cố gắng cho đam mê của mình” – thầy Khoa nói
Cũng như thầy Khoa, thầy N.Đ.V – Hiệu trưởng một trường THCS ở Lào Cai cũng cho rằng, Thông tư 29 không làm ảnh hưởng đến thầy cũng như giáo viên tại trường. Bởi trước đó, các giáo viên tại trường không dạy thêm.
Sau 23 năm công tác, mức lương kèm phụ cấp của thầy V. đang là 23.000.000 triệu đồng/tháng. Đối với thầy, đây là mức thu nhập ổn định, đảm bảo chi tiêu trong cuộc sống.
Tuy nhiên, thầy V. cho rằng, việc so sánh giữa giáo viên vùng cao và vùng xuôi là khập khiễng, bởi mức sống ở vùng sâu vùng xa, nông thôn và thành thị là khác nhau.
“Nghề giáo vẫn là một nghề cao quý, xứng đáng để cống hiến, một đất nước phát triển không thể thiếu đội ngũ giáo viên giỏi. Chính vì thế, tôi mong các bạn trẻ không bị tác động tiêu cực, bản lĩnh để theo đuổi đam mê ngành Sư phạm của mình” – Thầy V. nói.
Nguồn: https://danviet.vn/co-nen-quay-xe-truoc-canh-cua-nganh-su-pham-20250220170815066.htm