Thông tư 29 dạy thêm, học thêm áp dụng từ 14/2 đang trở thành chủ đề nóng trên mọi diễn đàn. Nhiều người cho rằng, có tình trạng giáo viên đã tìm ra cách để “lách luật”.
Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm liệu có bị “lách luật”?
Từng là giáo viên và hiện rất quan tâm đến giáo dục, anh Thái Hạo cho biết: “Ngày 14/2, Thông tư 29 về việc cấm các nhà trường dạy thêm, cấm giáo viên dạy thêm học sinh chính khóa của mình, sẽ có hiệu lực. Đây là quy định đang làm “nức lòng” phụ huynh và người dân cả nước, bởi hy vọng tác dụng tích cực mà nó sẽ mang lại cho nhiều mặt của xã hội và giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, theo quan sát, tìm hiểu và thu thập thông tin của tôi, hiện nay trên nhiều địa phương – trường học, đã có nhiều hoạt động, nhiều chiêu thức “lách luật” nhằm đối phó với quy định này.
![Thông tư 29 dạy thêm, học thêm áp dụng từ 14/2: Có hay không chuyện giáo viên sẽ Thông tư 29 dạy thêm, học thêm áp dụng từ 14/2: Có hay không chuyện giáo viên sẽ](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Co-hay-khong-chuyen-giao-vien-se-lach-luat.jpg)
Cụ thể, có trường hợp trường thuê cơ sở khác (có người đứng tên giám đốc công ty, giám đốc trung tâm) đúng pháp luật, rồi ký kết với trường, thuê chính giáo viên trường đó dạy. Tên người đứng dạy không phải giáo viên chính khoá, nhưng trên thực tế giáo viên chính khoá vẫn dạy. Giáo viên khác vào thu tiền.
Trường hợp giáo viên đưa học sinh về nhà thì mượn/thuê người khác đứng tên hộ kinh doanh. Rồi thuê trợ giảng, giáo viên đó vẫn đứng dạy. Khi nếu có thanh tra, giáo viên ấy thành trợ giảng. Giáo viên tiểu học thì rục rịch đi học chứng chỉ kỹ năng sống, về để dạy thêm môn kỹ năng sống. Có những trường hợp sẽ tinh vi hơn, ví dụ dựa vào cách phân công nhiệm vụ cho giáo viên để lôi kéo hoặc “bật đèn xanh” cho học sinh đến nhà/trung tâm để học thêm”.
Anh Bùi Ngọc Phúc, tác giả sách “Cùng con vượt qua các kỳ thi”, “Tư vấn thi vào 10”, cho hay: “Trên mạng xã hội nhiều giáo viên mách nhau cách để “lách luật”. Nếu quy định cấm dạy thêm ở bậc Tiểu học trừ các lớp dạy kỹ năng, đương nhiên muốn lách luật, giáo viên sẽ học và có chứng chỉ về một vài môn kỹ năng và tổ chức CLB. Thay vì học môn tiếng Việt, học sinh sẽ tham gia CLB ngôn ngữ sáng tạo. Đối với môn Toán sẽ là CLB khám phá tư duy. Khi không có sự đồng thuận từ gia đình, sự kiểm tra gắt gao của nhà trường, học sinh Tiểu học vẫn tiếp tục học thêm ngay sau khi học chính khóa.
Với cấp 2 và cấp 3, giáo viên có thể tổ chức lớp học nhưng đứng tên người khác, có thể là giáo viên đã nghỉ hưu, về lý họ không sai. Tuy nhiên với những giáo viên có số lượng học sinh đông, họ sẽ chấp hành nghiêm chỉnh khi đăng ký kinh doanh và nộp thuế đầy đủ”.
Anh Phúc đánh giá: “Quy định về dạy học thêm vừa có hiệu lực đã mở rộng và bao quát cả việc dạy thêm trong và ngoài trường, thay vì một chỉ thị cấm như trước đây. Việc dạy thêm trong trường gần giống với chương trình phụ đạo ngày trước dành cho học sinh yếu kém; học sinh giỏi cần ôn để thi đội tuyển.
Việc siết chặt quy định khi giáo viên dạy ngoài trường phải đăng ký kinh doanh là đúng, bởi nhiều năm nay, có giáo viên thu nhập nhiều tỷ từ dạy thêm nhưng không đóng một đồng thuế thu nhập nào, đó là sự bất công.
Dạy thêm không xấu, nó xuất phát từ nhu cầu có thật của phụ huynh học sinh nhưng từ lâu biến tướng khi chính giáo viên dạy trên lớp đã trù dập khi học sinh không học thêm tại lớp của mình. Lần này quy định đã bổ sung việc cấm giáo viên dạy học sinh trên lớp cũng nhằm làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục.
Bản thân tôi có con học thêm vì mục đích nâng cao kiến thức, tôi ủng hộ quy định về dạy thêm và học thêm do Bộ GDĐT ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 14/2. Đặc biệt là nghiêm cấm dạy thêm từ bậc Tiểu học, có như vậy các con mới có tuổi thơ đúng nghĩa. Quy định đã ban hành, quan trọng là sự hưởng ứng của phụ huynh, có như vậy những vấn nạn dạy thêm và học thêm được loại bỏ”.
Một giáo viên ở Hải Dương cũng xác nhận còn nhiều hình thức “lách luật” khác nữa. Hiện tại giáo viên đang chờ hướng dẫn của Sở GDĐT để thực hiện các phương án phù hợp.
Quản chứ không cấm
Ngày 30/12/2024, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả người dạy lẫn người học. Tuy nhiên, thực tế có tình trạng các em dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do chính thầy cô, trường học của mình tổ chức. Một bộ phận học sinh phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì để bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Việc học thêm quá nhiều khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức. Việc một bộ phận giáo viên “ép” học sinh do mình dạy chính khóa phải học thêm cũng ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội.
Xuất phát từ thực tế nêu trên và yêu cầu “Từ bỏ tư duy không quản được thì cấm“, Bộ GDĐT xây dựng Thông tư 29 trên tinh thần không cấm dạy thêm nhưng tìm nguyên nhân để có phương án quản lý phù hợp, hiệu quả.
Thông tư 29 phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh. Bộ GDĐT cũng giao các trường quyền tự chủ xây dựng kế hoạch để đảm bảo hiệu quả, thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học nhằm đạt mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đó là phát triển năng lực học sinh.
Như vậy, về nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định có thể đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục. Ngoài giờ học theo chương trình, các trường cần tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc… để các em học sinh nhiệt tình tham gia.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, nhấn mạnh, điểm mới trong Thông tư lần này là Bộ GDĐT quy định 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong trường nhưng không được thu tiền của học sinh, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh ôn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh.
Như vậy, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Nếu học sinh chưa đạt, nhà trường phải có trách nhiệm dạy thêm hay còn gọi là phụ đạo kiến thức. Tương tự với đối tượng học sinh được lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh ôn thi cuối cấp, nằm trong kế hoạch nhà trường.
Còn lại, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự tìm tòi để thẩm thấu những nội dung đã được học trên lớp, tránh chuyện học thêm theo kiểu dồn ép kiến thức, không mang lại hiệu quả. Bộ GDĐT hạn chế 3 đối tượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường là nhằm hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.
Nguồn: https://danviet.vn/thong-tu-29-day-them-hoc-them-ap-dung-tu-14-2-co-hay-khong-chuyen-giao-vien-se-lach-luat-20250210111836911.htm