CÓ NHIỀU CƠ HỘI VIỆC LÀM Ở THÀNH PHỐ LỚN NHƯNG CÔ GÁI THẠCH THỊ CHAL THI (SN 1989, TẠI ẤP CÂY HẸ, XÃ PHÚ CẦN, HUYỆN TIỂU CẦN, TRÀ VINH) ĐÃ QUYẾT ĐỊNH VỀ QUÊ KHỞI NGHIỆP. DOANH NGHIỆP NHỎ MANG TÊN SOKFARM ĐÃ GIÚP NHIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở QUÊ HƯƠNG THOÁT NGHÈO, CÓ THU NHẬP ỔN ĐỊNH. VỚI NHỮNG CỐNG HIẾN CHO QUÊ HƯƠNG, THẠCH THỊ CHAL THI NHẬN ĐƯỢC NHIỀU GIẢI THƯỞNG CAO QUÝ TRONG ĐÓ CÓ GIẢI THƯỞNG VINH DANH TẠI CHƯƠNG TRÌNH “VINH QUANG VIỆT NAM” NĂM 2022.

Xin chào chị Thạch Thị Chal Thi, chị đã từng học thạc sĩ tại TPHCM. Vậy tại sao khi có nhiều cơ hội ở thành thị chị lại quyết định chọn về quê khởi nghiệp từ con số 0?
– Thật ra tôi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm của Đại học Bách khoa TPHCM. Sau khi tốt nghiệp tôi cũng có đi làm ở tập đoàn về nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Cho tới năm 2018, dừa ở Trà Vinh không ai mua, bỏ mọc mầm. Lúc đó tôi chỉ có ý nghĩ giúp đỡ cho ba mẹ nhưng khi càng nghiên cứu mật khoai dừa, tôi nhận ra nếu mình thành công thì chắc chắn người nông dân ở quê hương sẽ được cải thiện kế sinh nhai rất nhiều. Từ đó tôi quyết tâm phải thành công với nghề thu mật hoa dừa này.
Trước đó, tôi cũng được truyền cảm hứng khá nhiều bởi cuốn “Tony buổi sáng” khuyến khích người trẻ về quê hương khởi nghiệp. Lúc đó, tôi cũng suy nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ trở về quê hương nhưng không nghĩ mình sẽ về sớm như vậy.
Khi chị quyết định về quê khởi nghiệp có nhiều người ủng hộ không?
– Ngành mật hoa dừa là một ngành rất mới, nếu ba mẹ không phải người suy nghĩ theo hướng “mở” thì chắc chắn sẽ không cho tôi làm. Tuy nhiên, khi ba nghe tôi chia sẻ về nghiên cứu ngành mật hoa dừa thì ông rất ủng hộ và đó là một trong những yếu tố giúp mình bắt đầu.
Từ trước tới nay, người dân chỉ thu trái chứ không thu mật dừa nên ban đầu người dân rất lạ lẫm, còn nghi ngờ, đàm tiếu nhiều nhưng tôi luôn giữ vững ý niệm nhất định phải làm thành công để giúp đỡ ba mẹ và quê hương.


Cô gái trẻ Thạch Thị Chal Thi nuôi quyết tâm khởi nghiệp từ nghề thu mật hoa dừa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chị phải làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của người dân quê mình về ngành này?
– Họ là những người nông dân chất phác, chưa được đi nhiều nơi để biết đến ngành mật hoa dừa nên có suy nghĩ như vậy cũng là điều đương nhiên. Lúc đó tôi nghĩ chỉ cần mình làm thành công, tạo được giá trị cho những người đồng hành với mình thì cũng sẽ thuyết phục được những người nông dân khác.
Hiện tại đã có 200 nông hộ đăng ký liên kết với doanh nghiệp và dự kiến con số này còn tăng nữa. Mục tiêu của tôi là năm 2030 sẽ liên kết được với 1.000 nông hộ và tạo việc làm từ 200 – 300 dân làng ở địa phương. Mình đặt mục tiêu phát triển vì muốn liên kết càng nhiều nông hộ càng tốt.
Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng nhất là với một ngành mới như thu mật hoa dừa. Chị Chal Thi có thể chia sẻ lại về những khó khăn khi mới bắt đầu?
– Những ngày đầu khi người dân còn chưa biết nhiều về mật hoa dừa, tôi xây cả một xưởng sản xuất nhưng một ngày chỉ bán được 1-2 hũ nhỏ với giá 65.000 đồng. Hầu như năm đầu tiên tôi lỗ, khó khăn cả về bán hàng và vận hành doanh nghiệp. Khi đó để một doanh nghiệp vận hành cũng cần 80 triệu, trong khi doanh thu khi đó chỉ có 20 triệu/ tháng. Nhưng tôi vẫn tin là sẽ thành công.
Thật lòng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc, cũng chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ thất bại. Mình luôn nghĩ bản thân đi đúng hướng, chỉ là sản phẩm chưa thực sự được nhiều người biết tới thôi. Vậy nên tôi luôn kiên trì, ở đâu có hội chợ, cuộc thi khởi nghiệp cũng tham gia, không bỏ qua cơ hội nào để lan tỏa mật hoa dừa tới người tiêu dùng.
Động lực nào khiến chị quyết tâm đến như vậy?
– Tôi chỉ nghĩ làm sao để liên kết với nhiều nông hộ hơn nữa để giúp đỡ quê hương mình. Người dân làm lúa không sống nổi vì giá phân bón tăng cao, không đủ trang trải cuộc sống. Nhưng chỉ cần có 7 cây dừa thì một tháng người dân có thể thu được 2 triệu đến 3 triệu rồi. Có những người họ rất hạnh phúc vì đã thoát nghèo từ công việc này.
Họ nói được leo cây dừa mỗi ngày là niềm hạnh phúc, điều đó cũng khiến tôi rất vui. Sản phẩm của mình cũng giúp cho nhiều người cải thiện sức khỏe. Từ những điều đó khiến mình càng có động lực cố gắng phát triển sản phẩm hơn.


Nghề thu mật hoa dừa giúp người lao động có thu nhập ổn định. Ảnh: Sokfarm.
Có gia đình nào theo nghề thu mật hoa dừa mà cuộc sống của họ đã cải thiện khác trước rất nhiều không?
– Những gia đình tôi giúp đỡ đa số những hộ nghèo. Như chú Ray 52 tuổi, trước kia chú đi bốc vác nhưng đã nhiều tuổi không còn đủ sức khỏe, chú về làm việc ở Sokfarm. Chú nói được leo cây dừa là hạnh phúc vì chú có tiền lo cho gia đình trang trải cuộc sống.
Rồi có chị Lập là một trong những người đầu tiên đồng hành cùng Sokfarm. Trước kia chị làm may, chị chỉ dám nghỉ trưa một tiếng rồi quay vào làm tiếp để đủ thành phẩm trong ngày. Lúc đó chị rất áp lực, cho tới khi làm việc ở Sokfarm chị mới thấy thoải mái, có đủ tiền lo cho gia đình. Hay anh Phúc làm mật hoa dừa nuôi sống cả gia đình vì nhà nghèo, bố mẹ già nhưng lại không có ruộng đất.
Giúp đỡ được người lao động có công việc tạo thu nhập ổn định tôi rất vui. Đó cũng là điều tôi hướng tới khi quyết định về quê hương khởi nghiệp.

Hiện tại, chị đã đưa các sản phẩm mật hoa dừa ra thế giới chưa?
– Hiện tại bên tôi có 5 sản phẩm nguyên chất từ mật hoa dừa, có 2 sản phẩm xuất khẩu đi quốc tế: 1 sản phẩm mật hoa dừa cô đặc xuất khẩu chính ngạch đi Nhật Bản; sản phẩm mật hoa dừa xuất khẩu đi Hà Lan. Tháng 10 này sẽ ra mắt sản phẩm thứ 6, mình sẽ đẩy mạnh phân phối tại các siêu thị, thị trường mình hướng tới là Mỹ.
Mật hoa dừa không phải là mặt hàng mới trên thế giới. Khi xuất khẩu chị gặp khó khăn gì?
– Những đất nước như Thái Lan, Philipines họ đã sản xuất mật hoa dừa từ rất lâu vì đó là nghề truyền thống của họ rồi nhưng tôi vẫn tự tin sản phẩm của mình có thể xuất khẩu ra nước ngoài và cạnh tranh với họ vì thế giới dùng công nghệ nào thì chúng tôi cũng dùng công nghệ tiên tiến đó.
Tôi tự tin về giá thành và chất lượng sản phẩm mình tạo ra. Bản thân tôi cũng là người có chuyên môn về thực phẩm nên cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm. Philipines họ chỉ xuất khẩu gia công thôi còn mật hoa dừa Việt Nam xuất khẩu thành phẩm có thương hiệu riêng nên được đánh giá rất cao tại thị trường quốc tế.

Dây chuyền sản xuất mật hoa dừa hiện đại. Ảnh: Sokfarm.
Là một người tạo ra sản phẩm xuất khẩu quốc tế, chị có nhận xét gì về hàng Việt nam khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế?
– Khi mình đã xuất khẩu hàng ra thị trường nước ngoài chắc chắn sẽ có cạnh tranh gắt gao hơn về giá cả và chất lượng. Và phải nghiên cứu khách hàng có phù hợp với sản phẩm ở phân khúc giá nào ví dụ hợp với nhà thuốc, siêu thị hay chỉ sử dụng là thực phẩm bình thường.
Tôi nghĩ với mặt hàng nào xuất khẩu chất lượng cũng sẽ phải đạt chuẩn. Ví dụ như mật hoa dừa khi xuất khẩu sang Nhật bản, mỗi lần vào cảng họ sẽ kiểm tra các chỉ số khác nhau. Bản thân tôi rất tự tin chất lượng sản phẩm của mình luôn đồng đều nên vẫn được các đối tác tin tưởng.


Nhiều người cho rằng chị Chal Thi là tấm gương cho phụ nữ trẻ khởi nghiệp, chị có cảm thấy vui vì điều đó?
– Thực lòng ban đầu tôi chỉ nghĩ mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ gia đình, quê hương mình và may mắn bây giờ tôi được nhiều người ủng hộ. Tôi mong các bạn trẻ, nếu thấy quê hương mình có khó khăn và cần những người trẻ giúp đỡ thì hãy quay về để cùng đưa quê hương phát triển đi lên. Mọi thứ xuất phát từ tâm của mỗi người.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!



Các sản phẩm từ mật hoa dừa Trà Vinh đã được xuất khẩu ra thế giới. Ảnh: Sokfarm.
Laodong.vn