Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.
Chiều 6/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Tại phiên họp, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã báo cáo về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Cụ thể, về số lượng, cơ cấu tổ chức và cách thức quy định các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ông Tùng cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban.
Ông Tùng cũng cho biết, có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội về số lượng, tên gọi các Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm địa vị pháp lý của các cơ quan; nên sử dụng cụm từ “cơ quan của Quốc hội” thay vì cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội”. Ban soạn thảo thấy rằng, trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội trong Luật là phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; vấn đề này cũng đã được Bộ Chính trị tán thành khi cho ý kiến về các dự án luật về tổ chức bộ máy. Việc sử dụng cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội” là phù hợp với chức năng, tính chất hoạt động của các cơ quan này.
Về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, theo ông Tùng trong quá trình thảo luận, các cơ quan đều tán thành với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng, Ủy ban như dự thảo Nghị quyết.
Đối với một số nội dung cụ thể, một số cơ quan có ý kiến. Theo đó về lĩnh vực tôn giáo, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị cân nhắc giao Hội đồng Dân tộc phụ trách lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng để bảo đảm tính cân đối, hài hòa trong nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và tập trung cơ quan đầu mối. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục giao lĩnh vực này cho Ủy ban Văn hóa và Xã hội như trước khi thực hiện sắp xếp.
Về việc thẩm tra điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh đề nghị việc thẩm tra các điều ước quốc tế nên giao cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phụ trách theo lĩnh vực để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Theo đó, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cũng chỉ thẩm tra điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ban soạn thảo đề nghị tiếp tục giao Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại là cơ quan làm đầu mối chủ trì thẩm tra điều ước quốc tế như Ủy ban Đối ngoại hiện nay và các cơ quan khác theo phạm vi lĩnh vực phụ trách tham gia thẩm tra để thuận tiện trong việc theo dõi, giám sát quá trình tham gia đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện để bảo đảm tính thống nhất trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước.
Về việc thẩm tra báo cáo của một số cơ quan, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khái quát theo hướng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, dự án, đề án khác thuộc lĩnh vực phụ trách hoặc theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị vẫn tiếp tục quy định một số Ủy ban có trách nhiệm thẩm tra các báo cáo cụ thể của các cơ quan có liên quan vì đây là các báo cáo thường niên, làm cơ sở quan trọng cho việc giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của cơ quan báo cáo và đề xuất chính sách trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan. Tuy nhiên, nếu quy định các loại báo cáo cụ thể có thể trùng lặp với quy định của các luật, nghị quyết khác và khó bao quát, cập nhật kịp thời khi có yêu cầu thay đổi nội dung, thời hạn báo cáo.
Liên quan đến giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND, Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu tiếp tục tham mưu giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND là nhiệm vụ mà Ban Công tác đại biểu đang thực hiện.
Cũng theo ông Tùng, có ý kiến cho rằng, nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy Nhà nước trong đó có tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Do đó, để bảo đảm thống nhất chỉ một đầu mối phụ trách các nội dung tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phù hợp với phạm vi lĩnh vực phụ trách và yêu cầu thực tiễn, đề nghị giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND; giao Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu tiếp tục giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện các công tác liên quan đến công tác cán bộ đối với HĐND như phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh của HĐND, tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND, tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ dự án Luật, 3 dự thảo nghị quyết và tài liệu kèm theo đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Nguồn: https://daidoanket.vn/co-cau-to-chuc-cua-quoc-hoi-gom-hoi-dong-dan-toc-va-7-uy-ban-10299430.html