Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến bỏ hẳn xét tuyển sớm thay vì giới hạn chỉ tiêu 20% như dự thảo trước đó. Thí sinh lớp 12 cần lưu ý nội dung này để chủ động, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ tuyển sinh đại học 2025.
Theo thông tin từ Bộ GDĐT, một trong những thay đổi quan trọng từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025 là không áp dụng xét tuyển sớm. Tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được xét chung trong một đợt.
Dự kiến quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non sẽ được Bộ GDĐT ban hành trong tháng 2/2025.
So với dự thảo đã công bố, quy chế tuyển sinh chính thức có nhiều điều chỉnh nhằm bảo đảm công bằng, phù hợp với tình hình thực tế và nâng chất lượng nguồn tuyển.

Tính tới thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025. Về cơ bản, các trường đều áp dụng đa dạng phương thức xét tuyển.
Trước đó, việc Bộ GDĐT dự kiến khống chế chỉ tiêu 20% cho phương thức này đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, Bộ GDĐT khẳng định, bỏ xét tuyển sớm sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết, khái niệm xét tuyển sớm ở đây là sớm về mặt thời gian, xét tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường có thể sử dụng tất cả phương thức xét tuyển như: xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các kỳ thi riêng…
Như vậy, với điều chỉnh này, Bộ GDĐT chỉ bỏ xét tuyển sớm. Các trường đại học vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như trước đây nhưng thời gian xét tuyển được lùi về thời gian xét tuyển chung của Bộ GDĐT.
Thực tế những năm qua, các trường thực hiện xét tuyển sớm cũng phải chờ kết quả cuối cùng từ Bộ GDĐT. Do đó, theo các trường đại học, việc bỏ hẳn xét tuyển sớm sẽ không ảnh hưởng nhiều.
TS Trịnh Văn Toàn – Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Điện lực cho biết, kế hoạch tuyển sinh không bị ảnh hưởng nhiều. Các phương thức khác sẽ xét tuyển cùng đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh việc bỏ hẳn xét tuyển sớm, từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ GDĐT quy định nếu cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải sử dụng kết quả của cả năm học lớp 12.
Từ kỳ tuyển sinh năm 2024 trở về trước, các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thường chỉ sử dụng điểm của 5 học kỳ, tức là lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12. Việc này khiến học sinh chểnh mảng, không tập trung học ở học kỳ II lớp 12, làm ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về những điểm mới dự kiến trong quy chế tuyển sinh năm 2025, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, tỷ lệ cạnh tranh đầu vào bằng phương thức xét học bạ năm nay dự kiến sẽ tăng cao. Vì vậy, thí sinh cần tính toán, cân nhắc, tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường khi lựa chọn phương thức xét tuyển.
Nguồn: https://daidoanket.vn/bo-xet-tuyen-dai-hoc-som-co-anh-huong-toi-thi-sinh-10300263.html