Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những clip ghi lại hình ảnh ‘luật đời’- mạnh được yếu thua trên đường phố. Hình ảnh người yếu thế hơn bị hành hung xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ nhặt khiến nhiều người bức xúc. VietNamNet thực hiện tuyến bài xoay quanh vấn đề trên.

Hình ảnh anh Lê Xuân Hưng (SN 1994, ở Tây Hồ, Hà Nội), một nam shipper bị tài xế điều khiển ô tô Lexus hành hung gây thương tích được lan truyền trên không gian mạng vào ngày 10/2 đã khiến nhiều người bức xúc.

Khi sự việc chưa kịp lắng xuống, mạng xã hội tiếp tục xuất hiện clip người đàn ông đấm lái xe đang ngồi trong ô tô tại số 57 Cửa Đông, phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm).

Gần đây nhất, chiều 18/2, lại xuất hiện clip ghi lại cảnh người đàn ông lao vào đánh tới tấp nam thanh niên mặc áo shipper. Nạn nhân là em Nguyễn Quang S. (17 tuổi, trú phường Quang Trung), học sinh lớp 11, trường THPT Chuyên Đại học Vinh. Em cho biết sau giờ học đã mượn áo shipper của bạn để đỡ lạnh trên đường về nhà. 

Khi tới đoạn ngã tư đường Trần Phú gần Bệnh viện thành phố Vinh, do gặp tín hiệu đèn đỏ nên S. dừng xe lại. Vừa lúc đó, người đàn ông đi bộ băng qua đường và xảy ra va chạm giao thông nhẹ với nam sinh này. Người đàn ông sau đó đã lao vào đánh tới tấp em S.

Xung quanh chuyện hành xử thiếu văn minh trên đường phố gần đây, nhiều độc giả VietNamNet bày tỏ sự bức xúc. Có độc giả cho rằng: “Mọi hành vi dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn đều cần phải bị trừng trị nghiêm khắc. Mục đích của chúng ta là hướng đến một xã hội văn minh tiên tiến, cho nên cần triệt để loại trừ các hành vi bạo lực khỏi cuộc sống…”

Theo độc giả khác, đi ngoài đường bây giờ tốt nhất là nhẫn nhịn, chẳng may có xung đột, chấp nhận mình thiệt thòi chút cho mọi việc yên, chứ chẳng may gặp kẻ côn đồ thì lại thiệt hại hơn. Cũng có độc giả nóng tính, bày tỏ sự bức xúc: “Gây rối trật tự công cộng, bắt giam luôn”; “Phải xử lý nghiêm, không chấp nhận kiểu côn đồ như vậy”.

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Như Trang (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng, phần lớn người dân đã có nhận thức tốt về pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật cũng như văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội văn minh.

Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ người dân vẫn có các hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự nơi công cộng, làm ngược lại với đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước. 

db172e7699bb27e57eaa.jpg
Tiến sĩ Xã hội học Nguyễn Như Trang (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Ảnh nhân vật cung cấp

Nguyên nhân sâu xa ngoài việc thiếu hiểu biết đối với các hành vi vi phạm pháp luật, thiếu nhận thức về văn hóa ứng xử thì phải nói rõ ở đây, chính là việc thiếu kiểm soát hành vi khi xảy ra các xung đột, va chạm trong cuộc sống như va chạm giao thông hay trong giao tiếp, thông qua thái độ, qua lời ăn tiếng nói. 

Thiếu kiểm soát hành vi bắt nguồn từ thiếu sự kiểm soát cảm xúc của bản thân. Từ đó dẫn đến thái độ và lời nói thiếu kiểm soát, nó thúc đẩy các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng ta cần có cái nhìn rõ ràng từ nhiều chiều cạnh của đời sống xã hội.

Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Như Trang, có người vô tình vi phạm pháp vì không hiểu luật, nhưng cũng có những người hiểu luật mà vẫn vi phạm, làm tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người khác, thì đó là thiếu nhân cách và đạo đức con người. 

Về tâm lý cá nhân, người nghĩ bản thân nhiều tiền hoặc mạnh hơn người thường tự cho mình quyền giải quyết việc va chạm theo hướng có lợi cho mình, theo kiểu luật “luật đời” mạnh được, yếu thua. 

Ở đây, vị thế xã hội đã được chi phối rất rõ ràng, người có quyền lực, có tiền, ảnh hưởng, hay thậm chí là có cơ thể to khỏe hơn đã tự cho mình quyền xử lý vụ việc theo hướng mình muốn chứ không phải dựa trên luật pháp và văn minh trong ứng xử giữa con người với nhau. 

Cộng thêm sự thiếu kỹ năng và không quản lý tốt trạng thái cảm xúc của bản thân nên thiếu kiểm soát hành vi, dẫn đến tấn công người khác thái quá.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức tốt và thực hành văn hóa giao thông khi tham gia giao thông. Người lái ô tô vẫn xem ô tô là tài sản chứ không phải phương tiện. Khi va chạm thì có hành vi lăng mạ chửi bới, thậm chí là tấn công bằng hành động là để bảo vệ tài sản.

Theo luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh), những vụ hành hung trên đường phố xảy ra liên tục trong thời gian gần đây là vấn đề rất đáng lo ngại, phản ánh sự thiếu kiểm soát cả về cảm xúc và hành vi của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông. 

111020221101 luat su giang thanh.jpg
Luật sư Giang Hồng Thanh. Ảnh nhân vật cung cấp

Những hành động bạo lực như vậy không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà còn tạo ra một môi trường sống không văn minh,  mất an toàn.

Nhiều người lúc mới xảy ra sự việc, nóng giận dẫn đến mất kiểm soát, thực hiện mọi hành động để giải tỏa bức xúc. Đến khi xong rồi thì hối hận cũng đã muộn. 

“Vì vậy mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của bản thân về việc chấp hành pháp luật và không thực hiện các hành vi bạo lực trong xã hội, để không phải vướng vòng lao lý vì những lý do vô cùng nhỏ nhặt”, lời luật sư Giang Hồng Thanh.