(BLC) – Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đặc xá, những năm qua, hàng nghìn phạm nhân được ra tù trước thời hạn trở về với cộng đồng. Tuy nhiên, không ít người gặp khó khăn do mặc cảm lỗi lầm và khó hòa nhập cộng đồng. Việc giúp những người lầm lỗi làm lại cuộc đời được các cấp, các ngành, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Sau thời gian chấp hành xong án phạt từ trở về địa phương, anh Lù A Sỹ, ở bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ còn nhiều tự ti, mặc cảm về hành vi của mình gây ra. Được sự động viên của gia đình, đặc biệt là lực lượng Công an huyện, xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể thường xuyên đến nhà thăm hỏi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho gia đình anh vay vốn đầu tư chuồng trại kiên cố chăn nuôi gà vịt, ao cá. Từ đó, giúp anh có thêm niềm tin trong cuộc sống, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Tương tự như anh Sỹ, bà Vàng Thị Xưởng, ở bản Vàng Bâu, xã Mường So trở về địa phương sau thời gian chấp hành án phạt tù cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và Công an huyện đề xuất hỗ trợ cho gia đình bà nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đó chỉ là 2 trong số 230 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn huyện Phong Thổ. Được biết, để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục và tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sớm hòa nhập cộng đồng Công an huyện Phong Thổ thường xuyên xuống cơ sở thăm hỏi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và động viên họ xóa bỏ mặc cảm, tự ti làm lại cuộc đời.
Cán bộ Công an huyện Phong Thổ tuyên truyền pháp luật đến Nhân dân.
Ngoài ra, Công an huyện Phong Thổ còn phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền những kiến thức cơ bản như: quyền lợi và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù, kỹ năng tìm kiếm việc làm và hòa nhập cộng đồng; tác hại của ma túy, cách phòng chống tái nghiện ma túy, phòng chống lây nhiễm HIV-AIDS; một số nội dung cơ bản của Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ… Từ đó, hướng dẫn họ chấp hành pháp luật, nghĩa vụ công dân của người lầm lỗi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời triển khai hiệu quả mô hình “Hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 2.363 người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương. Đa số những người lầm lỗi trở về địa phương đều khó khăn về công ăn việc làm. Để giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, sau khi tiếp nhận người hết thời hạn chấp hành hình phạt tù, Công an tỉnh tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện các biện pháp quản lý, giúp đỡ họ về việc làm phù hợp để nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng dân cư.
Lực lượng công an các cấp tiến hành lập hồ sơ, tư vấn pháp lý, hướng dẫn thực hiện các thủ tục về cư trú, cấp căn cước công dân. Kết thúc thời gian quản lý trong cộng đồng, các xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá, họp xét thực hiện thủ tục xóa án tích cho người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Bà Vàng Thị Xưởng, bản Vàng Bâu, xã Mường So, huyện Phong Thổ phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi.
Phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý – Hội Luật gia tỉnh tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người mới chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền gồm: nội dung cơ bản của Nghị định 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù; phổ biến pháp luật, kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và giải đáp một số thắc mắc cho người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương. Trên cơ sở đó, giúp đỡ người lầm lỗi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tư tưởng, xóa bỏ mặc cảm, tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý để họ yên tâm, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.
Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lầm lỗi không những phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, góp phần phòng ngừa tội phạm, mà còn là tấm gương để những người có quá khứ lầm lỗi phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.