NDO – Khi trẻ mắc cúm, sởi, các bố mẹ thường quan tâm tới các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, nghẹt mũi… nhưng chủ quan không chú ý các biểu hiện bệnh ở mắt.
Tỷ lệ mắc bệnh cúm và một số bệnh lý đường hô hấp như sởi gia tăng trong thời tiết đông-xuân. Cùng với các dấu hiệu phổ biến ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, phát ban…, nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp cần nhập viện theo dõi.
Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hô hấp như cúm, sởi có biểu hiện bệnh lý tại mắt. Một số trường hợp bệnh mắt diễn tiến nặng gây giảm thị lực.
Ghi nhận tại Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh, đa số người bệnh, trong đó có nhiều trẻ em, mắc cúm, sởi có kèm theo bệnh lý tại mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc.
Bé Lê Nguyên Mạnh (4 tuổi) có dấu hiệu ho khan, chảy mũi nhiều kèm theo sốt nhẹ, gia đình đã tự điều trị tại nhà và phát hiện trẻ chảy nước mắt, ra nhiều ghèn mắt.
Sau 1 tuần nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý và thuốc tra mắt nhưng không đỡ, gia đình đưa trẻ đi khám, bác sĩ phát hiện hai mi mắt trẻ sưng nề nhiều, có giả mạc dày dính, giác mạc biến chứng trợt biểu mô (bề mặt giác mạc bị tổn thương, bong tróc, không còn nguyên vẹn, nếu không điều trị kịp thời có thể nhiễm trùng, ảnh hưởng thị lực).
Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhi được kê đơn điều trị theo phác đồ và theo dõi sát. Kết quả điều trị tốt, các triệu chứng giảm dần, bé Mạnh khỏi hoàn toàn sau 1 tuần.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Lương Thị Anh Thư, Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh, một số bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như cúm, sởi có thể có các bệnh lý tại mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc, xuất huyết kết mạc… Các triệu chứng ở mắt bao gồm: chảy nước mắt, lóa mắt; cảm giác ngứa, cộm mắt; có nhiều ghèn đặc trong mắt; cảm thấy khô mắt, mỏi mắt, giảm thị lực…
Nguyên nhân xuất hiện các biểu hiện bệnh lý mắt khi mắc cúm hoặc sởi có thể do thói quen che miệng bằng tay trần, sau đó dụi tay lên mắt khiến các virus, vi khuẩn lây lan và gây bệnh tại mặt. Trẻ em thường không chú ý vệ sinh tay và thói quen sờ nắm, gặm các đồ vật, không kiểm soát hành vi dụi mắt, dễ có nguy cơ lây bệnh cho mắt.
Bác sĩ Anh Thư chia sẻ, khi thấy con bị cúm, sởi, cha mẹ thường chỉ quan tâm tới các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, sổ mũi, nghẹt mũi… không chú ý các biểu hiện bệnh ở mắt.
“Tình trạng viêm giác mạc, viêm kết mạc hay xuất huyết giác mạc… không khó điều trị. Nhưng nhiều gia đình có thói quen tự mua thuốc điều trị, dùng thuốc nhỏ hoặc tra mắt không theo chỉ định y khoa, có thể khiến bệnh lý không được điều trị đúng cách hoặc tăng nặng hơn, gây ảnh hưởng thị lực. Khi có biểu hiện bất thường tại mắt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm nhằm đánh giá tình trạng bệnh và có chỉ định điều trị phù hợp”, bác sĩ Anh Thư khuyến cáo.
Cùng với các bệnh lý theo mùa, trẻ em cũng có nguy cơ gặp nhiều bệnh lý ở mắt khác, trong đó có nhóm bệnh lý bẩm sinh thường gặp như glôcôm, đục thủy tinh thể, cận thị, bệnh lý võng mạc trẻ đẻ non (ROP)… Bệnh lý mắt bẩm sinh ở trẻ thường khó phát hiện vì bệnh diễn tiến âm thầm, khó phát hiện nếu không có thiết bị chuyên dụng. Đặc biệt trẻ khó mô tả, chia sẻ chính xác cảm giác, triệu chứng của bệnh.
Bất thường của hệ thống thị giác bẩm sinh nếu được phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bảo đảm hiệu quả điều trị, hạn chế các biến chứng. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng khoa Khúc xạ và Kiểm soát cận thị, Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh, để hạn chế tác động của bệnh nhãn khoa bẩm sinh, trẻ cần được theo dõi và can thiệp điều trị sớm trước 7 tuổi.
Nguồn: https://nhandan.vn/chu-y-benh-ly-o-mat-khi-tre-mac-cum-soi-post860681.html