ĐÂY LÀ CÂU NÓI VUI CỦA ÔNG PHAN ĐĂNG TOÀN – BÍ THƯ THỊ ỦY SA PA CHIA SẺ VỀ CÁC LĨNH VỰC MÀ CÁC LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG PHỤ TRÁCH, CHỊU TRÁCH NHIỆM ĐỂ CÓ MỘT SA PA XANH, SẠCH, ĐẸP. 3 LÃNH ĐẠO CAO NHẤT CỦA THỊ XÃ SA PA (LÀO CAI) GỒM BÍ THƯ, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC VÀ CHỦ TỊCH UBND ĐƯỢC PHÂN CÔNG PHỤ TRÁCH 3 VẤN ĐỀ NÓNG NHẤT CỦA ĐỊA PHƯƠNG DU LỊCH: ÙN TẮC GIAO THÔNG, RÁC THẢI VÀ CHÈO KÉO ĂN XIN.
PV: Xin chào ông! Ông và các lãnh đạo Sa Pa có thấy phiền lòng khi người dân và cả các cán bộ địa phương giờ đã quen gọi như vậy?
Ông Phan Đăng Toàn: Không, tất nhiên. Đầu tiên anh em chỉ gọi vui. Sau dần thành quen. Giờ mỗi lần nghe thấy “mỹ danh” đó, chúng tôi lại càng thấy phải trách nhiệm hơn, nỗ lực hơn với nhiệm vụ được phân công.
Do tôi là Trưởng Ban chống ùn tắc giao thông trong khu vực nội thị, nhiệm vụ tiên quyết vì một Sa Pa thông thoáng, an toàn, nên được gọi là Bí thư đứng đường.
Anh Thào A Sinh – Phó Bí thư thường trực là Trưởng Ban chống tình trạng chèo kéo, đeo bám, ăn xin nên gọi là Phó Bí thư ăn xin. Còn anh Tô Ngọc Liễn – Chủ tịch UBND là Trưởng Ban chỉ đạo Sa Pa sạch nên gọi là Chủ tịch nhặt rác.

PV: Được biết, thời gian qua, lãnh đạo Sa Pa đã chủ động tìm đến các địa phương nổi tiếng như Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt… để học cách làm du lịch, các ông có trải nghiệm như thế nào và rút ra bài học gì?
Ông Phan Đăng Toàn: Đúng là chúng tôi đã tổ chức các buổi học tập kinh nghiệm. Qua tham khảo, thấy điều kiện tự nhiên của Sa Pa rất có thế mạnh nhưng chưa khai thác được hết.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tự thấy đội ngũ làm dịch vụ lưu trú, nhà hàng tại Sa Pa đã tiệm cận mức chuyên nghiệp. Ẩm thực phong phú, khách Âu, khách Á chúng tôi đều có thể đáp ứng được. Ẩm thực bản địa cũng rất ổn.

Tuy vậy, nhược điểm lớn nhất của Sa Pa là sự tham gia về giao thông kém hơn; đội ngũ taxi, xe điện ở các địa phương khác khi lên xe có thể giới thiệu như một hướng dẫn viên, ở Sa Pa thì chưa.
Sau khi bàn bạc, chúng tôi đã giao Phòng Văn hóa, Hiệp hội Du lịch tổ chức các lớp đào tạo cho đội ngũ lái xe taxi, xe điện. Mong rằng tới đây, họ có thể tham gia vào việc giới thiệu, hướng dẫn du khách về Sa Pa một cách tự nhiên và thuần thục.
Về ý thức người dân Sa Pa thì cơ bản đã khá tốt. Tuy nhiên, còn đâu đó tình trạng chặt chém và đặc biệt nạn chèo kéo, đeo bám, ăn xin tuy có giảm nhưng vẫn còn dễ dàng bắt gặp.
Cảnh của Sa Pa thì rất đẹp. Nhưng ngoài nhà thờ đá và khối kim tự tháp trên đỉnh Fansipan thì vẫn đang thiếu các kiến trúc mang tính biểu tượng.
Sắp tới, Sa Pa sẽ xây dựng một công viên du lịch. Tại đó có những bức tượng mang phong vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc như đôi trai gái thổi khèn, chiếc khăn Piêu, đạo cụ làm nông của người vùng cao… Chắc chắn sẽ trở thành nơi check in thú vị cho du khách.

PV: Ông nhận định thế nào về các vấn đề của Sa Pa?
Ông Phan Đăng Toàn: Tôi không ngại khi thừa nhận rằng Sa Pa hiện vẫn đang còn lộn xộn, chưa được như kỳ vọng. Ban ngày thì nhà cửa lố nhố, không theo lối kiến trúc nào. Ban đêm thì như một nồi lẩu thập cẩm về ánh sáng. Ánh sáng từ bảng biển, nhà hàng, đèn đường,… mạnh đèn nào đèn ấy sáng. Phải nói là bội thực ánh sáng.
Giao thông vẫn còn những điểm ùn ứ; dừng đỗ mất trật tự. Chính quyền đã ra quân tuyên truyền, xử lý rất nhiều rồi nhưng vẫn chưa triệt để.
Nguyên nhân thì cũng nhiều, nhưng sâu xa, thì cũng bởi diện tích khu vực trung tâm nhỏ quá, đường thì hẹp, phương tiện tham gia nhiều, du khách tập trung vào những thời điểm cố định đông. Nên cốt lõi ngoài sự nỗ lực của cấp uỷ chính quyền, Sa Pa vẫn mong mỏi ý thức tham gia giao thông của người dân và du khách nhiều hơn.
Nhà thờ đá – biểu tượng kiến trúc nổi tiếng nhất của Sa Pa. Ảnh: Xuân Quỳnh.
Tôi dẫn chứng thế này để mọi người có thể hiểu và chia sẻ với Sa Pa. Năm 2003, Sa Pa chỉ đón hơn 70.000 lượt khách; 10 năm sau, năm 2013, con số là gần 800.000 lượt. Lúc này, do quá thiếu chỗ lưu trú nên du khách thậm chí đã phải ngủ đêm tại các phòng học.
Đến năm 2019 (trước dịch), con số tăng phi mã lên 3,2 triệu lượt, trong khi diện tích trung tâm của Sa Pa vẫn vậy, rất nhỏ. Mọi thứ phát triển quá nóng, quá nhanh đã dẫn đến sự lộn xộn như đã nói trên. Và để lập lại mọi thứ quy củ cần có thời gian, và đó cũng chính là trách nhiệm của chúng tôi.
PV: Hiện Sa Pa đã có những biện pháp gì nhằm giảm thiểu tình trạng này, thưa ông?
Ông Phan Đăng Toàn: Chúng tôi cũng tham khảo mô hình của các quốc gia châu Âu. Họ có nhiều thành phố nhỏ hẹp nhưng quy hoạch giao thông rất khoa học, ý thức người dân cao nên trông lúc nào cũng thông thoáng, rất đáng để học tập. Từ đó, Sa Pa quyết tâm triển khai các bãi đỗ xe tĩnh. Lâu dài sẽ chuyển hết các bến xe ra ngoài.
Sa Pa đã quy hoạch 3 điểm đỗ xe. Một điểm sẽ đón dòng xe từ phía TP Lào Cai lên. Một đón từ hạ huyện lên và một điểm từ phía Lai Châu sang kết hợp với bãi đỗ xe của Công ty cáp treo Fansipan thì cả 3 hướng đổ vào Sa Pa đều có bãi đỗ. Từ đó sẽ phân tán được lượng xe vào thị xã. Đến cuối tuần thì các xe trên 16 chỗ cũng không được vào nội thị.
Hiện, Sa Pa xác định có 19 điểm có nguy cơ ùn tắc. Tại cả 19 điểm đó, chúng tôi đã cử tất cả đều có lực lượng chức năng tham gia để hướng dẫn, góp phần chống ùn tắc. Ngoài ra các phương án phân luồng giao thông cũng bước đầu phát huy hiệu quả.
Về tình trạng đeo bám, chèo kéo, ăn xin, vừa qua, sau nỗ lực dài tuyên truyền, Sa Pa bắt đầu tiến hành biện pháp cứng rắn hơn là phạt hành chính. Đối tượng bị phạt là người trưởng thành, lợi dụng trẻ em để đi bán hàng rong hoặc ăn xin.
Gần đây nhất có bà Lù Thị Máy, sinh năm 1995, trú tại thôn San 2, xã Hoàng Liên, đã bị phạt số tiền lên tới 22 triệu đồng vì ép 2 con nhỏ đi bán rong và ăn xin trên đường phố Sa Pa. Hiện bà Máy đã nộp được gần 1 nửa số tiền phạt.
Biện pháp này không nhằm mục đích thu tiền phạt, mà cốt nhắc nhở bà con rằng nếu tiếp tục tái phạm sẽ có thể bị xử phạt hình sự, và bắt đầu phát huy hiệu quả rất tích cực.
Với những nỗ lực nêu trên, du khách sẽ thấy một bộ mặt khác của Sa Pa. Tích cực hơn rất nhiều.

PV: 3,2 triệu lượt du khách là con số đặc biệt ấn tượng. Có khi nào ông nghĩ cần sàng lọc đối tượng, hướng Sa Pa đến khu du lịch cao cấp, để “đắt xắt ra miếng”?
Ông Phan Đăng Toàn: Vì là khu du lịch Quốc gia nên Sa Pa không đặt ra đối tượng du lịch. Chúng tôi hiểu Sa Pa là của toàn dân, để phục vụ toàn dân. Bất cứ ai đến, từ người bình dân đến giới thượng lưu, Sa Pa sẽ mở lòng với toàn bộ sự hiếu khách.
Năm 2020, Sa Pa thậm chí còn chấp nhận hi sinh nguồn thu khi bỏ đi 2 điểm thu phí đặt tại Mường Hoa và Tả Phìn. Một là để người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ du lịch bản làng, hai là mong muốn phát triển du lịch cộng đồng.
Tất nhiên, song song với kinh tế đất nước phát triển, thì nhu cầu của con người cũng sẽ cao hơn, đối tượng khách trung, cao cấp cũng sẽ tăng lên. Chính vì thế, cũng từ năm 2020, chủ trương của Sa Pa khi cấp dự án nghỉ dưỡng, khách sạn đều đặt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên.
Trong 1 đêm, hiện tại, Sa Pa có thể đáp ứng được 40.000 người. Định hướng đến 2025 sẽ duy trì ổn định lượng lượt khách từ 3,2 triệu đến 3,5 triệu lượt khách/năm. Sau đó, khi một số dự án nghỉ dưỡng khác được hoàn thiện, có thể bổ sung thêm 15.000 chỗ nghỉ khác.

PV: Có ý kiến cho rằng, Sa Pa đang ngày càng mất đi vẻ hoang sơ, dẫn đến với một số du khách, họ sẽ chọn Hà Giang để khám phá thiên nhiên thay vì Sa Pa, ông nghĩ gì về ý kiến này?
Ông Phan Đăng Toàn: Thực tế, Sa Pa còn rất nhiều điểm hoang sơ với cảnh sắc tuyệt đẹp mà du khách có thể chưa biết. Ở khu vực ngoại thị đã có nhiều dự án phát triển du lịch trên tinh thần gìn giữ tối đa tự nhiên để phục vụ các du khách ưa khám phá. Những chỗ này đều rất đẹp.
Còn nếu du khách chọn Hà Giang thay vì Sa Pa vì bất cứ lý do gì, chúng tôi xin chúc mừng tỉnh bạn. Đâu cũng là nhân dân mình, đất nước mình cả. Tôi rất vui.
PV: Vâng, xin cám ơn ông!

Sa Pa thường xuyên trong tình trạng quá tải phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng chèo kéo, ăn xin vẫn còn tồn tại đang làm mất hình ảnh của Sa Pa.
Laodong.vn