GenZ: Đối tượng hàng đầu nhưng không dễ tiếp cận của báo chí
GenZ đại diện cho khả năng và các tính cách cần thiết trong việc chuyển đổi số. Họ giữ chìa khoá tìm ra tương lai bền vững cho các toà soạn nhưng cần được cho phép xoay chìa để mở. Nhiều chuyên gia nhận định, GenZ sẽ là thách thức khó tiếp cận nhất cho ngành báo chí. Nhưng khó không có nghĩa là không thể và trong bối cảnh báo chí buộc phải kiếm tìm nguồn thu, thì việc chinh phục bằng được “tệp độc giả GenZ” là điều nhiều toà soạn đang đặt vào chiến lược phát triển.
Hãng tin khổng lồ Mediahuis của châu Âu đã có 1,8 triệu người đăng ký và đang đặt mục tiêu đạt 70% doanh thu từ kỹ thuật số vào năm 2030 từ mức 30% hiện tại. Và việc giành lại độc giả trẻ – GenZ đang là chiến lược hàng đầu của họ.
Tại Đại hội Truyền thông Tin tức Thế giới WAN-IFRA ở Copenhagen (Đan Mạch), CEO Gert Ysebaert của Mediahuis cho biết: “Để tiếp cận nhiều người hơn, cần khôi phục sự kết nối với độc giả trẻ. Đây “có lẽ là phần khó nhất” của sứ mệnh”.
Với báo chí Việt Nam, bàn về câu chuyện này, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật – Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho biết, thế hệ trẻ tìm đến các nền tảng mạng xã hội để biết thêm về tin tức. Hầu hết họ tiếp cận thông tin bằng điện thoại di động. Các cơ quan báo chí nắm bắt được nghệ thuật sử dụng mạng xã hội sẽ có ưu thế trong việc thu hút người trẻ. Tuy nhiên, nội dung không đơn giản là bê nguyên từ báo in lên mà cần điều chỉnh để phù hợp với cách thức truyền thông mới.
VietnamPlus đã chú trọng tới độc giả GenZ từ rất lâu. “Năm 2013, chúng tôi đã ra mắt sản phẩm RapNewsPlus và thậm chí tổ chức cả một cuộc thi mang tên Rapping the News để thu hút các bạn trẻ. Chúng tôi cũng có các dự án khác như Teen+, hay thử nghiệm những loại hình báo chí mới, chẳng hạn NewsGame. Hiện tại, VietnamPlus tiếp cận độc giả trẻ thông qua kênh Tiktok với 1 triệu người theo dõi, trong đó độ tuổi phổ biến nhất là từ 18-25” – nhà báo Hoàng Nhật cho hay.
Theo nhà báo Hoàng Nhật, khác với những người lớn tuổi, GenZ không tiếp cận thông tin vào thời điểm cụ thể, thay vào đó là lướt xem tin tức liên tục trong ngày. Để tiếp cận độc giả trẻ, tin tức cần được chia nhỏ, thể hiện theo những định dạng mới và hấp dẫn. Chẳng hạn theo báo cáo mới đây của Google News Initiatives, người trẻ ở Đông Nam Á thích “xem tin” hơn là “đọc tin”. Và khi xem video tin tức thì có tới 66% lựa chọn định dạng short-form (video dọc dưới 1 phút). “Nên nếu chúng ta vẫn cứ sử dụng hình thức tin văn bản thì khó lòng lôi kéo được độc giả trẻ” – ông Nhật nói.
HTV cũng là đơn vị đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo, tạo ra xu hướng mới và việc thu hút công chúng trẻ – thế hệ NewZ đang là chiến lược trung tâm của họ.
Nhà báo Ngô Trần Thịnh – Trưởng bộ phận nội dung số Trung tâm tin tức, Đài truyền hình TP.HCM cho biết, việc có thêm độc giả trẻ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng đó là một sứ mệnh quan trọng của ngành báo chí.
“Tại HTV, chúng tôi đang nỗ lực để giải quyết những thách thức này thông qua trang thông tin thế hệ mới NewZ. Chúng tôi tập trung vào việc sản xuất những nội dung ngắn gọn, hấp dẫn, có tính tương tác cao và phù hợp với các nền tảng di động. Chúng tôi cũng chú trọng đến việc kiểm chứng thông tin và xây dựng lòng tin với độc giả. Đồng thời, không ngừng lắng nghe và học hỏi từ GenZ để cải thiện sản phẩm của mình” – nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết.
Chinh phục Genz: Lấy người trẻ để thu hút người trẻ
Khẳng định: “Muốn chinh phục độc giả trẻ thì cần phải giải quyết vấn đề nhân sự trước tiên”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật thông tin, năm ngoái, VietnamPlus ra mắt bản tin video Znews do chính các bạn trẻ (dưới 23 tuổi) tổ chức, từ lên kịch bản, dàn dựng lẫn lên hình, với suy nghĩ rằng chỉ có người trẻ mới hiểu người trẻ. Tuy nhiên, bản tin phải dừng sau nửa năm vì nhân sự thực hiện bản tin đều là sinh viên thực tập hoặc cộng tác viên. Trong khi đó, các phóng viên, biên tập viên trong biên chế chính thức đều đã ở độ tuổi trưởng thành đoàn, rất khó để nắm bắt được “khẩu vị” của người trẻ.
“GenZ có được sự thấu hiểu đối với nhóm tuổi của họ mà những người lớn tuổi hơn không có. Việc xây dựng đội ngũ làm việc gồm nhiều thế hệ có thể giúp cho tất cả học hỏi lẫn nhau và đem đến nhiều góc nhìn khác nhau” – nhà báo Hoàng Nhật nhận định.
Cho ý kiến về vấn đề này, nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ cho hay, một trong những cách làm của Báo Tuổi trẻ trong việc thu hút, tương tác và giữ chân độc giả trẻ là đầu tư nhân lực trẻ để phục vụ công chúng trẻ, lấy người trẻ để thu hút người trẻ, họ biết thế hệ trẻ cần những nội dung gì và thể hiện điều đó một cách lôi cuốn.
Báo Tuổi trẻ đặt những nhân sự trẻ tại các vị trí sản xuất podcast hay video, cho họ không gian sáng tạo, cho phép thử nghiệm, khích lệ và cổ vũ họ đưa ra tiếng nói.
Theo ông Lê Xuân Trung, nhân sự trẻ cũng có khả năng trong việc kết nối với các nền tảng mới đang nổi lên, nơi tập trung sự chú ý và tương tác cao của thế hệ trẻ. Muốn gây sự chú ý và tạo sự thu hút cần xuất hiện trên các nền tảng của họ.
Việc có tiếng nói trẻ hơn trong toà soạn là chiến lược kinh doanh hiệu quả, không chỉ vì có thể khiến cho các toà soạn cảm thấy mình cũng đang phục vụ GenZ mà còn giúp cho những người đọc lớn tuổi hơn hiểu thêm về thế hệ trẻ.
Có thể nói, bức tranh truyền thông xã hội đang tiếp tục phát triển ngoạn mục với các nền tảng mới như Tiktok tiến vào cuộc chơi bên cạnh Facebook, Youtube đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Để tiếp cận GenZ, các cơ quan báo chí cần bố trí nhân sự trẻ cùng sự đổi mới về tư duy, công nghệ. Như nhìn nhận của Miki King – Chủ tịch Arc XP: “Các cơ quan báo chí thuê nhân sự như thế nào và ai có vai trò quyết định sẽ thể hiện đối tượng độc giả, khán thính giả mà toà soạn hướng tới”.
Hòa Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/chinh-phuc-doc-gia-genz-chien-luoc-hang-dau-cua-cac-toa-soan-post308739.html