Sáng 14/2, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình Quốc hội tờ trình về cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ đề xuất 10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án. Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép triển khai đồng thời việc đàm phán với các đối tác đã thực hiện để ký Hiệp định liên Chính phủ, thỏa thuận hợp tác xây nhà máy điện hạt nhân và Hiệp định liên Chính phủ về khoản tín dụng xuất khẩu Nhà nước tài trợ xây nhà máy. Quá trình này thực hiện song song với phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.
Chính phủ đề xuất cho phép Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án; áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay và chỉ định thầu đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong thoả thuận hoặc Hiệp định liên Chính phủ.
Áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu.
![202502140814144530_z6315682877921_28809a066eb722507e6e93a0406aea4a.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/14/202502140814144530-z6315682877921-28809a066eb722507e6e93a0406aea4a-59761.jpg?width=0&s=FReVTThWM6GfEjVxazjcHw)
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Chính phủ đề xuất đàm phán vay vốn với các đối tác; cho phép chủ đầu tư vay lại không chịu rủi ro tín dụng; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chủ đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ/doanh nghiệp/công trình và một số cơ chế khác để có đủ vốn đối ứng thực hiện dự án; bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án di dân, tái định cư.
Chính phủ đề xuất có cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp vật liệu cho xây dựng dự án; đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng dự án…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên là rất cấp thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban nhất trí cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và lấy ý kiến các cơ quan liên quan về cơ chế đề xuất, nhằm đảm bảo thống nhất, khả thi.
Chính phủ cần chỉ đạo xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho dự án.
![202502140817133731_z6315702761630_61456179eb56e1ce988b8bc744da2d0e.jpg](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/14/202502140817133731-z6315702761630-61456179eb56e1ce988b8bc744da2d0e-59762.jpg?width=0&s=fnsJdaDQ55_cd9ToXxGUVQ)
Chính phủ đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030, Ủy ban thấy rằng, theo kinh nghiệm quốc tế phải mất khoảng 8 năm để hoàn thiện một dự án điện hạt nhân (3 năm chuẩn bị, 5 năm xây dựng).
Dự án có quy mô rất lớn, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, đòi hỏi nguồn lực lớn; dự kiến sẽ triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng khác. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp khắc phục để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án.
Về lựa chọn nhà thầu, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện. Để giảm thiểu rủi ro, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của hình thức hợp đồng này, bổ sung quy trình giám sát chặt chẽ.
Chính phủ cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.
![Đề xuất miễn, giảm trách nhiệm cho cán bộ làm dự án đường sắt hơn 200 nghìn tỷ](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Chinh-phu-trinh-Quoc-hoi-nhieu-co-che-xay-nha.webp.jpeg)
![Chính phủ đề xuất chỉ định thầu với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739505618_787_Chinh-phu-trinh-Quoc-hoi-nhieu-co-che-xay-nha.jpg)
Chính phủ đề xuất chỉ định thầu với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-nhieu-co-che-xay-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-2371250.html