Theo đó, 3 năm trở lại đây, Chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục thăng hạng, đặc biệt, năm 2022, tỉnh đạt điểm cao nhất và trở thành địa phương dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ về Chỉ số tiếp cận đất đai.
Nhiều kết quả nổi bật
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 10 Chỉ số thành phần của PCI, Chỉ số tiếp cận đất đai được xem là chỉ số quan trọng, có ý nghĩa bậc nhất trong cạnh tranh và thu hút đầu tư giữa các tỉnh. Tiếp cận đất đai dễ dàng là một trong những điều kiện tiên quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với các doanh nghiệp, việc tiếp cận đất đai thuận lợi và ổn định có quyết định rất lớn đến việc doanh nghiệp đồng hành, hoạt động hiệu quả, lâu dài tại địa phương.
Xác định rõ tầm quan trọng trên, thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, Sở TN&MT đã tập trung thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, nhất là các lĩnh vực tài chính, thuế, kế hoạch và đầu tư; đồng thời, xây dựng khung giá đất của tỉnh phù hợp với giá thị trường; nỗ lực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư.
Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thường xuyên rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực của ngành TN&MT, nhất là TTHC đã được công bố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Sở TN&MT tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các TTHC về đất đai như: Chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất, giao đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.
Sở TN&MT còn tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho 8/8 đơn vị cấp huyện; thực hiện công bố Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên Trang thông tin điện tử của Sở TN&MT và ứng dụng trên thiết bị di động iOS và Android; xây dựng website tra cứu thông tin “sổ hồng” nhằm tăng cường tiếp cận tính chính xác trong thông tin pháp lý về đất đai và chống làm giả “sổ hồng”.
Đặc biệt, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định quy định chặt chẽ hơn về trình tự, thủ tục bồi thường, bổ sung những quy định còn thiếu… nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tổ chức đối thoại, gặp gỡ, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sử dụng đất.
Ông Lê Anh Tú – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, nhờ chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Sở TN&MT, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương, công tác quản lý về đất đai trên địa bàn đã đi vào nền nếp hơn, đặc biệt là góp phần cải thiện thứ hạng về Chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cụ thể, năm 2021 Chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 7,01 điểm, xếp 34/63 tỉnh/thành cả nước và xếp 5/6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; so với năm 2020 tăng 0,16 điểm. Tuy vậy, đến năm 2022, với những nỗ lực và giải pháp cụ thể, đặc biệt là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có bước tiến vượt bậc khi đạt được 7,66 điểm, xếp 4/63 tỉnh/thành cả nước và xếp 1/6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.
Đồng bộ các giải pháp
Ông Lê Anh Tú – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay: Thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, Sở TN&MT sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện và đề xuất các giải pháp cụ thể để đảm bảo các tiêu chí thành phần trong Chỉ số tiếp cận đất đai. Trong đó, giải pháp chủ yếu là tiếp tục thực hiện xác định giá đất cụ thể tính bồi thường, giá đất cụ thể khi giao đất, thuê đất đối với từng dự án cụ thể theo quy định để đảm bảo sát giá thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân, tổ chức kinh tế khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai.
Đồng thời, Sở TN&MT cũng sẽ thường xuyên nghiên cứu văn bản của Trung ương thuộc lĩnh vực ngành TN&MT để kịp thời tham mưu cụ thể hóa văn bản phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án đơn giản hóa thành phần hồ sơ, gộp TTHC để rút ngắn thời gian giải quyết, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC; hướng dẫn rõ ràng cụ thể cho doanh nghiệp, người dân khi nộp, bổ sung các thành phần hồ sơ theo quy định nhằm hạn chế đến mức tối đa chi phí không chính thức mà doanh nghiệp, người dân phải chịu trong quá trình thực hiện TTHC.
Cùng với đó, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong việc lập, phê duyệt và công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân và doanh nghiệp biết, thuận tiện trong việc quản lý và sử dụng đất; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính đối với các TTHC có phí, lệ phí. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục về đất đai cho tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời thực hiện kế hoạch kinh doanh đã để ra.
Cũng theo ông Lê Anh Tú, Chỉ số tiếp cận đất đai chính là đòn bẩy thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương phát triển theo hướng bền vững. Do vậy, thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng ngành TN&MT sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhằm giúp các doanh nghiệp sớm có mặt bằng để sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đồng thời, Sở TN&MT cũng sẽ tập trung rà soát, theo dõi và đánh giá việc thực thi chính sách về đất đai, kịp thời phát hiện những bất cập để kiến nghị, sửa đổi nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đề ra; Cạnh đó, tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp ít nhất 1 lần/năm; thường xuyên tổ chức các cuộc họp, đối thoại với người dân và doanh nghiệp vào các ngày trong tuần, đột xuất nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và bức xúc trong quá trình thực hiện TTHC về đất đai.