Travers có thể không xem mình là một nhà báo, nhưng thực chất các kênh tin tức do anh quản lý đạt được lượng theo dõi còn “khủng” hơn cả các hãng tin truyền thống.
Kênh tin tức đánh bại các hãng tin truyền thống
Kênh YouTube của Travers, khi còn là sinh viên đại học, bắt đầu cách đây 8 năm, hiện có 14 triệu người theo dõi. Hằng tháng, anh đạt 200 triệu lượt xem trên TikTok và 35 triệu lượt xem trên YouTube.
Tài khoản Instagram của HugoDecrypte có nhiều người theo dõi hơn Le Monde, tờ nhật báo nổi tiếng của Pháp, cũng như BFMTV và France24, được cho là hai mạng tin tức 24 giờ phổ biến nhất ở Pháp. Podcast của HugoDecrypte cũng đứng đầu danh sách các chương trình được tải xuống nhiều nhất trong nước.
Alice Antheaume, phó hiệu trưởng Trường Báo chí Sciences Po, cho biết: “Cậu ấy được coi là một nguồn tin tức rất đáng tin cậy”.
Với kênh YouTube thu hút lượng lớn người xem từ 15 đến 34 tuổi, hầu hết các chính trị gia lớn ở Pháp, bao gồm cả Tổng thống Emmanuel Macron, đã gặp Travers để tiếp cận nhóm khán giả trẻ. Anh đã trò chuyện với gần như tất cả các ứng cử viên tranh cử tổng thống vào năm 2022.
Bản tóm tắt tin tức dài 10 phút của HugoDecrypte được đăng các ngày trong tuần trên nền tảng YouTube và podcast. Ở đó, Travers ăn mặc giản dị, đưa ra các thông tin tóm tắt với vai trò là người giải thích, cùng với hoạt ảnh hoặc video có sẵn.
HugoDecrypte thường dựa vào khán giả để chọn câu chuyện chính mà kênh khai thác. Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường được đề cập đầu tiên, cũng như các cuộc xung đột ít được chú ý trên các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như ở Sudan hay Cộng hòa dân chủ Congo.
Xây dựng lòng tin, hiểu đúng tâm lý
Năm 2015, Travers đang theo học tại Sciences Po, một trường đại học danh tiếng ở Paris, ý tưởng cho kênh YouTube của anh nhen nhóm. Giống như phần lớn Gen Z, anh dành hàng giờ trên YouTube. Trong danh sách theo dõi của mình, anh có các kênh truyền hình về lịch sử và khoa học, nhưng không có nguồn thông tin ưa thích nào về báo chí bằng tiếng Pháp.
Bên cạnh đó, dù quan tâm đến chính trị trong nhiều năm, Travers nói mỗi khi anh và bạn bè bật các cuộc tranh luận chính trị trên truyền hình, họ hầu như không hiểu những gì đang được thảo luận.
Kênh HugoDecrypte ra mắt với sứ mệnh cung cấp cho khán giả trẻ Pháp một cách hiểu tin tức nhanh chóng, dễ dàng. Mục tiêu của Travers là tạo ra những video có chiều sâu, dễ tiếp cận, không làm khán giả trẻ bối rối cũng như không đòi hỏi quá nhiều kiến thức sẵn có.
“Thế hệ của tôi dành rất nhiều thời gian trên YouTube. Ta phải tạo nội dung ở nơi có mọi người. Nếu tôi dành thời gian trên YouTube hoặc Instagram, tại sao tôi không nhận được thông tin từ YouTube hoặc Instagram?”, anh nói.
Để tăng trưởng, Travers quyết định thuê nhân viên. Benjamin Aleberteau, một sinh viên mới tốt nghiệp, đã trở thành nhân viên đầu tiên của HugoDecrypte vào tháng 1-2019. Ngày nay, Aleberteau đã trở thành tổng biên tập. HugoDecrypte đã mở rộng thành một công ty gồm khoảng 25 nhân viên.
Ngoài chính trị, các cuộc phỏng vấn chuyên sâu của Travers cũng đã trở thành điểm dừng chân quý giá cho bất kỳ ai quảng bá phim, sách hoặc phim truyền hình dài tập đến thế giới Pháp ngữ. Trang CNN nhận định thành công của HugoDecrypte là đáng chú ý khi xét đến tình trạng ảm đạm của bối cảnh truyền thông tin tức Pháp.
Travers cho rằng thành công của thương hiệu là nhờ sứ mệnh ban đầu của kênh, sản xuất nội dung dễ tiếp cận, miễn phí và tương tác trực tiếp với khán giả trẻ trên mạng xã hội.
Để tiếp cận Gen Z, HugoDecrypte đã ra mắt trên TikTok sớm hơn hầu hết các phương tiện truyền thông Pháp. Một số chuyên gia cho rằng việc gắn thương hiệu với tên và hình ảnh của Travers đã cho phép anh truyền cảm hứng ở mức độ tin cậy nào đó cho khán giả trẻ, những người không sử dụng phương tiện truyền thông truyền thống.
Travers và Aleberteau tin rằng bất cứ nơi nào có mạng xã hội thì mô hình của HugoDecrypte đều khả thi. “Ở bất kỳ quốc gia nào cũng cần có thông tin. Và ở bất kỳ quốc gia nào cũng có những người trẻ muốn được cung cấp thông tin”, Aleberteau nói.