Trong khi ở TP.HCM, thu phí vỉa hè đã triển khai từ lâu thì tại Hà Nội, đến nay đề án vẫn chưa được thông qua. Vỉa hè nhiều tuyến phố vẫn đang bị chiếm dụng vô tội vạ, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, sau thời gian quyết liệt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đến nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội lại tái diễn.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán trên nhiều tuyến phố của Hà Nội sau Tết lại tái diễn. Ảnh: Tạ Hải.
Ở các tuyến phố như: Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Buồm, Hàng Gai… của quận Hoàn Kiếm, hàng loạt hộ kinh doanh bày hàng hóa la liệt, không còn khoảng trống nào cho người đi bộ. Người dân và du khách buộc phải len lỏi trong dòng phương tiện dưới lòng đường.
“Tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè khiến hình ảnh Thủ đô chưa đẹp trong mắt du khách. Người dân buộc phải thích nghi với việc chen lấn dưới lòng đường”, ông Nguyễn Văn Phương (Hoàn Kiếm) bày tỏ.
Trung tá Nguyễn Tuấn Khiên, Phó trưởng Công an phường Tràng Tiền cho rằng, vỉa hè có liên quan mật thiết đến mưu sinh của nhân dân nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
“Chính quyền địa phương đang lên phương án, chủ trương sắp xếp các hộ kinh doanh, tạo điều kiện về an sinh xã hội cho người dân ở trong khu vực nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện cho du khách và người dân vui chơi giải trí”, trung tá Khiên nói.
Tương tự, trên tuyến phố Thái Thịnh (Đống Đa), các hộ kinh doanh vô tư sử dụng vỉa hè, lề đường để buôn bán. Đáng nói, nhiều hộ đã từng bị xử phạt nhưng vẫn thản nhiên vi phạm.
273 tuyến phố đủ điều kiện cho thuê vỉa hè
Liên quan đến công tác mở rộng thu phí vỉa hè trên hàng trăm tuyến ở Thủ đô, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quá trình xây dựng đề án, qua khảo sát đến nay có 273 tuyến phố đủ điều kiện, tiêu chí sử dụng tạm thời một phần hè phố để kinh doanh và trông giữ phương tiện.
Đề án được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông tại một số quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Singapore… cũng như tại một số địa phương trong nước như TP.HCM, Hội An (Quảng Nam), quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)…
Lý giải vì sao đến nay vẫn chưa triển khai, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ trình vào quý II/2025: “Đề án đang được dự thảo và lấy ý kiến các thành viên tổ soạn thảo, các quận, huyện. Đây là vấn đề rất phức tạp và cần nghiên cứu kỹ do từng tuyến phố, từng quận, huyện có tính chất và đặc thù khác nhau”.
Ông Trịnh Hoàng Tùng, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông tin, quận đã chuẩn bị các kế hoạch, điều kiện cần thiết để triển khai thí điểm.
Theo đó, quận sẽ tập trung ban hành quy chế quản lý với các quy định cụ thể, xác định các bộ tiêu chí cần thiết, các tuyến phố đủ điều kiện, quy định về loại hình, thời gian kinh doanh. Việc này sẽ công khai để người dân nắm rõ.
“Chúng tôi sẽ phân các tuyến phố ra các nhóm như phục vụ du lịch, tuyến phố đi bộ; nhóm tuyến phố kinh doanh có kiểm soát; nhóm phục vụ trông giữ xe. Với các vỉa hè quanh các trụ sở, cơ quan, trường học, sẽ không thực hiện đề án. Khi thí điểm, quận sẽ xác định diện tích sử dụng cho từng tuyến phố, triển khai giám sát định kỳ và lấy ý kiến người dân.
Dự kiến khi cấp có thẩm quyền cho phép, quận sẽ thí điểm đề án tại phố Quang Trung trong 6 tháng, sau đó sẽ nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có thể triển khai rộng rãi”, ông Tùng khẳng định.
Cần quản lý chặt chẽ
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, khi thu phí vỉa hè, Hà Nội cần chú ý việc triển khai đề án ở phạm vi nào, bởi không phải ở vị trí nào cũng có thể áp dụng được.
Quan trọng nhất là không được để xảy ra mâu thuẫn, xung đột khi thực hiện, bởi việc sử dụng vỉa hè, lòng đường liên quan nhiều đối tượng, tác động đến đời sống người dân.
Nguyên Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Bạch Thành Định cũng góp ý, đề án cần nghiên cứu kỹ về đặc trưng từng tuyến phố, khung thời gian phù hợp để thực hiện có hiệu quả. Ví dụ, có tuyến phố ban ngày kinh doanh được, nhưng ban đêm không hiệu quả. Có tuyến phố buổi sáng tắc đường, mà lại sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho trông giữ xe thì không ổn.
“Không phải cấp phép là xong, mà còn phải tổ chức quản lý, ví dụ như cho kinh doanh mặt hàng gì, ai là người kiểm tra, giám sát, duy trì thường xuyên. Rồi vấn đề rác thải, làm sao để đảm bảo môi trường đô thị. Cùng đó, cần tránh tình trạng những đối tượng xăm trổ đứng ra trông giữ xe, thu tiền quá quy định…”, ông Định góp ý.
Trong danh sách 273 tuyến phố đủ điều kiện, tiêu chí cho thuê vỉa hè, có các tuyến phố như: Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Dã Tượng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Ngô Quyền, Hàm Long, Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Giảng Võ, Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-cham-cho-thue-via-he-tiep-tuc-bi-lan-chiem-1922502202241314.htm