Nhiều tổ máy nhiệt điện gặp sự cố
Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương về cung ứng điện đã liệt kê nhiều sự cố các tổ máy phát điện kéo dài gây ảnh hưởng đến cung cấp điện.
Đó là tổ máy S2 (300 MW) Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Cẩm Phả (sự cố từ ngày 21/6/2022); Tổ máy S1 (600 MW) NMNĐ Vũng Áng 1 (sự cố từ ngày 19/9/2021); Tổ máy S6 (300 MW) NMNĐ Phả Lại 2 (sự cố từ ngày 16/3/2021).
Kết luận thanh tra cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, các nguồn nhiệt điện than miền Bắc đã xảy ra 88 sự cố tổ máy, ảnh hưởng lớn đến công suất khả dụng của toàn hệ thống điện miền Bắc.
Tổng số sự cố tổ máy các nhà máy điện thuộc quản lý của EVN và các GENCO (Tổng công ty phát điện) chiếm tỷ lệ 51,1% (45/88), trong đó, tại khu vực miền Bắc, số tổ máy của EVN và các GENCO gặp sự cố là 26/50, chiếm tỷ lệ 52% tổng số tổ máy khu vực miền Bắc.
“Việc xử lý sự cố, khôi phục vận hành lại các tổ máy chậm gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là khu vực miền Bắc giai đoạn cao điểm vừa qua”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Cụ thể, sự cố tổ máy S1 kéo dài từ 19/9/2021, đến thời điểm thanh tra, nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa, dù Bộ Công Thương đã có công văn chỉ đạo PVN và PVPower khẩn trương khắc phục. Điều này gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Bắc.
Kết luận thanh tra cũng cho rằng, nhà máy chưa làm rõ chính xác nguyên nhân dẫn đển sự cố, chưa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Đối với sự cố tổ máy S2 (300MW) NMNĐ Cẩm Phả của Tổng công ty Điện lực TKV kéo dài từ ngày 21/6/2022, đến thời điểm thanh tra cũng chưa sửa chữa xong. Nhiệt điện Cẩm Phả chưa thực hiện chế độ báo cáo sự cố tổ máy S2 theo quy định; đã tổ chức đánh giá, phân tích nguyên nhân sự cố; đã kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc để xảy ra sự cố.
Thời gian sửa chữa tổ máy S2 kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn cung ứng điện cho khu vực miền Bắc vừa qua.
Ngoài ra, kết luận thanh tra đánh giá, việc khởi động tổ máy S3 NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng bị chậm. Thời gian từ khi khởi động đến hòa lưới của tổ máy S3 kéo dài hơn 7 ngày, dẫn đến phải huy động bổ sung sản lượng điện của các nguồn thủy điện, gây giảm mực nước và các nguồn nhiệt điện chạy dầu.
Với nhiệt điện BOT Duyên Hải 2, kết luận thanh tra cho hay: Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã kiến nghị EVN về việc huy động NMNĐ BOT Duyên Hải 2, nhưng thực tế, tại thời điểm A0 kiến nghị vẫn chưa được huy động. Sau đó, A0 không tiếp tục kiến nghị EVN bằng văn bản về việc huy động NMNĐ Duyên Hải 2 để giữ mực nước thượng lưu các hồ thủy điện trong mùa khô theo quy định.
“Việc huy động NMNĐ BOT Duyên Hải 2 là chậm trễ so với tình huống cấp bách của hệ thống điện”, kết luận thanh tra đánh giá.
Nhiều đường dây quá tải
Năm 2022, số đường dây 500kV, 220kV vận hành đầy, quá tải tăng 134 đường dây do các nhà máy điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành nhiều tại khu vực miền Trung. Do đó, số đường dây 220kV tăng từ 18 lên 65 đường dây và lưới điện miền Bắc tăng từ 60 lên 71 đường dây.
Năm 2023, các đường dây vẫn còn vận hành đầy và quá tải nhưng số lần xuất hiện ít hơn so với năm 2022, số máy biến áp (MBA) đầy tải tăng hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, mức độ quá tải của MBA giảm so với năm 2022.
Theo kết luận thanh tra, các đường dây và MBA đang vận hành đầy tải/quá tải chưa cải thiện được tình trạng mang tải nếu các dự án đầu tư xây dựng liên quan hỗ trợ giảm tải chưa được đưa vào vận hành đúng tiến độ.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án đầu tư xây dựng liên quan là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
“Với vướng mắc này, khả năng trong các năm tới lưới điện truyền tải tiếp tục phải vận hành đầy và quá tải tại các khu vực trung tâm phụ tải (các thành phố lớn, các tỉnh tập trung các khu công nghiệp, giải tỏa công suất năng lượng tái tạo… )”, kết luận đưa ra dự báo.
Cắt điện chưa thông báo thời gian đóng điện trở lại
Theo kết luận thanh tra, các tổng công ty điện lực đã chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị bên dưới phải có thông báo trong mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện (khẩn cấp, không khẩn cấp).
EVNHANOI, EVNHCMC chủ động theo dõi biến động phụ tải, đã xây dựng phương án cung ứng điện cho mùa khô hàng năm, phương án tiết giảm phụ tải trong tình huống khẩn cấp (có tình huống thiếu nguồn) theo quy định.
Đồng thời, các đơn vị thuộc EVN chủ động theo dõi phụ tải, giao các công ty điện lực trực thuộc định kỳ hàng năm xây dựng phương án cung ứng điện cho mùa khô, phương án tiết giảm phụ tải trong tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra cho rằng: Quá trình gửi thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với một số khách hàng có sản lượng lớn hơn 100.000 kWh/tháng tại Công ty Điện lực Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng thuộc EVNNPC, Điện lực Bình Thuỷ/Công ty Điện lực TP. Cần Thơ thuộc EVNSPC, nội dung thông báo chưa đầy đủ, như thời điểm dự kiến đóng điện trở lại.
“Việc sa thải phụ tải theo lệnh khẩn cấp từ A0, A1, A2 (tình huống khẩn cấp) dẫn đến khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh bị mất điện đột ngột, không được báo trước diễn ra trên diện rộng nên không tránh khỏi nhiều khách hàng bị ảnh hưởng”, kết luận nêu.
Nguồn than chưa chủ động Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện. Hàng năm, EVN có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các GENCO 1, 2, 3 rà soát, xác định nhu cầu và chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện; phê duyệt kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cơ sở hạ tầng tiếp nhận than; triển khai thực hiện thí điểm đốt than trộn tại NMNĐ than… Tuy nhiên, quá trình triển khai của một số NMNĐ trực thuộc EVN và các GENCO 1, 2, 3 thực hiện không kịp thời, không đầy đủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, dẫn đến xảy ra tình trạng một số NMNĐ than tồn kho thấp kéo dài, không đảm bảo đủ than cho phát điện cục bộ ở một số thời điểm. |