Ngoài mâm cúng lễ, đãi khách, một gia đình ở Lạng Sơn còn đặt làm cặp rồng phượng ‘khủng’, sống động để tỏ lòng thành kính với hai vị quan có công với dân tộc và mời gọi du khách thập phương đến xứ Lạng.

Tranh thủ check-in với cặp rồng phượng lớn, chị Vy Thị Lan Xuyến, 25 tuổi, trú Lạng Sơn, cho biết chị thấy hình về mô hình rồng phụng trên Facebook nên tò mò ra xem. “Hôm nay là chủ nhật cuối tuần nên hai mẹ con ra đây chụp ảnh. Năm nay trời rét nhưng không khí lễ hội rất vui tươi, phấn khởi, nhà nhà tấp nập chuẩn bị cỗ đón bạn bè gần xa đến với Lạng Sơn”, Xuyến hồ hởi nói – Ảnh: HÀ QUÂN
Trong tiết trời khoảng 10-12 độ C lạnh giá của Lạng Sơn, nhiều du khách vẫn vui tươi, chen chúc qua các con phố ở trung tâm thành phố Lạng Sơn để được đắm chìm trong không khí đông đúc, náo nhiệt của hai lễ hội đền Kỳ Cùng và lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Lừa.
Hai lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của Lạng Sơn thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị quan Tả Đô Đốc Hán Quận Công Thân Công Tài (được thờ tại đền Tả Phủ – Kỳ Lừa), và Quan lớn Tuần Tranh (được thờ tại đền Kỳ Cùng).
Bên lề lễ hội, nhiều du khách đi chơi tỏ vẻ bất ngờ, trầm trồ trước cặp mô hình rồng phượng trắng xanh hoành tráng, uốn lượn, mắt phát sáng ở đường Trần Đăng Ninh, trung tâm thành phố Lạng Sơn.
Đây cũng là con đường đang được người dân, chủ hàng quán kinh doanh, công ty dựng rạp như đám cưới, với các mâm cúng được chuẩn bị để đón ngày đông nhất lễ hội vào 27 tháng giêng. Nhiều gia đình còn dựng các rạp lớn, làm nhiều mâm cỗ để đãi khách thập phương chung vui.

Nhiều du khách từ người lớn đến trẻ em trầm trồ trước cặp mô hình rồng phượng khủng khi dạo chơi lễ hội ở Lạng Sơn – Ảnh: HÀ QUÂN

Bên cạnh linh vật rồng thì linh vật phượng trắng tuyết xen xanh ngọc bích rất thu hút người xem. Từng sợi lông, vảy trên linh vật được cắt tỉa tỉ mỉ, gọn gàng để tạo sự chân thực, sống động – Ảnh: HÀ QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, anh Hoàng Đức Thành cho hay gia đình đặt hàng nghệ nhân Bùi Thúy Nga thực hiện mô hình long phụng sum vầy, chất liệu từ xốp mềm, dài khoảng 4m, cao khoảng 3m.
Từ nhỏ đến lớn, anh chứng kiến lễ hội truyền thống ngày càng đón nhiều du khách nên càng mong muốn cặp rồng phượng của gia đình sẽ là điểm check-in đặc biệt của khách tới chơi hội.
“Hai vợ chồng có ý tưởng trưng hội từ năm ngoái, nhưng năm nay mới thực hiện được. Chúng tôi mong muốn thể hiện truyền thống của người dân Lạng Sơn và lan tỏa sự hồ hởi, mến khách, tình cảm của con người xứ Lạng tới người đi chơi hội. Từ lúc lên ý tưởng đến khi mang cặp rồng phượng về trưng khoảng hai tháng”, anh Thành chia sẻ.
Tranh thủ hoàn thiện mô hình để đón lễ rước vào sáng mai (24-2, ngày 27 tháng giêng), chị Bùi Thúy Nga – nghệ nhân chế tác cặp rồng phượng trên – chia sẻ các năm trước đã làm lễ dâng quan gồm đồ chay, mặn, trái cây…
Năm ngoái, chính chị cũng làm cặp rồng phượng có thể cử động và đôi mắt phát sáng bằng cau tươi để đón lễ hội. Năm nay, sau khi thống nhất với vợ chồng anh Thành, chị bắt tay vào phác thảo mô hình rồi cắt tỉa xốp để hoàn thiện cặp long phụng sum vầy. Từng có kinh nghiệm thi cắt tỉa hoa trái nghệ thuật trong và ngoài nước, chị thừa nhận vẫn có áp lực riêng khi thực hiện mô hình này.
“Từ nhỏ, tôi đã đam mê thư pháp, cắt tỉa hoa trái. Tôi thấy nhiều người làm cỗ lớn dâng lên quan lớn, nhưng chưa ai làm cặp long phụng sum vầy như này nên muốn thử sức, vừa thể hiện tài năng vừa muốn nhiều người biết đến lễ hội đền Kỳ Cùng và lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Lừa của Lạng Sơn”, chị Nga bộc bạch.

Theo nghệ nhân Bùi Thúy Nga, khó khăn nhất trong thực hiện cặp rồng phương trên là làm sao tạo ra được cái “hồn” của linh vật, tạo dáng vẻ vừa uy nghiêm vừa uyển chuyển. Nhất là đầu rồng phải cân đối, từng chiếc râu trằng nhẹ nhàng, đung đưa, sống động nhất – Ảnh: HÀ QUÂN

Theo chủ nhân của cặp rồng phượng, nhiều người chia sẻ chú rồng mô hình có dáng rất giống bạch long trong phim Na Tra đang nổi tiếng trên mạng – Ảnh: HÀ QUÂN

Nhiều du khách tranh thủ chụp lại cặp rồng phượng để chia sẻ với bạn bè khi rong chơi lễ hội tại Lạng Sơn – Ảnh: HÀ QUÂN
Nguồn: https://tuoitre.vn/cap-rong-phuong-khung-khien-du-khach-tram-tro-o-le-hoi-ky-cung-ta-phu-20250223175818294.htm