Theo báo cáo của các cơ sở y tế, từ khi nghỉ hè đến nay, số trẻ bị tai nạn thương tích phải nhập viện điều trị có chiều hướng gia tăng. Các bác sỹ khuyến cáo, khi bị tai nạn thương tích, nếu trẻ được phát hiện, sơ cứu kịp thời, đúng cách và đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị đúng cách thì cơ hội phục hồi sẽ cao hơn rất nhiều.
Tại khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cứ vào dịp nghỉ hè, số vụ tai nạn thương tích lại gia tăng với nhiều loại tai nạn, trong đó nhiều hơn cả là tai nạn thương tích do tham gia giao thông, chó cắn, gãy tay, chân và bỏng do nước nóng, đồ ăn nóng…
Bệnh nhân Nguyễn Thị K.H, 14 tuổi, xã Kim Chính (huyện Kim Sơn) nhập viện cấp cứu trong tình trạng chấn thương vùng mặt, bị vỡ vùng trước xoang hàm trái và chấn thương gan độ 2 do tai nạn giao thông. Mẹ K.H cho biết, con gái chị đi xe đạp điện vào buổi trưa nắng, tự xô vào cột điện bên đường và ngã. Em K.H không nhớ rõ vì sao bị ngã, chỉ nhớ mang máng là đến nhà bạn chơi, có chơi trò chơi, rồi ngồi phòng điều hòa mát, sau đó đi xe về thì xảy ra chuyện. Các bác sỹ cho rằng, bệnh nhân nô nghịch ra mồ hôi, rồi ngồi phòng điều hòa lạnh, sau đó ra ngoài trời nắng gặp chênh lệch nhiệt độ và bị choáng, không làm chủ được tay lái của mình nên tự ngã…
Do vậy, các phụ huynh cần quan tâm đến con, đặc biệt trong mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời tăng cao, không được để trẻ đi chơi nắng, tắm ngoài ao đập, sông hồ…, dễ gặp phải các triệu chứng như sốc nhiệt, say nắng, say nóng, choáng váng…
Một trường hợp tai nạn giao thông khác là do sự chủ quan của người lớn đối với con mình xảy ra rất nguy hiểm và đáng tiếc. Đó là trường hợp em trai 6 tuổi đèo chị gái 13 tuổi bằng xe đạp điện tham gia giao thông. Do nhỏ tuổi, không làm chủ được phương tiện đã xảy ra tai nạn giao thông, làm chị gái bị gẫy xương đùi, em trai bị đứt gân bàn chân, phải phẫu thuật nối gân, điều trị dài ngày tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Chị Đinh Thị H., xã Gia Minh (huyện Gia Viễn) chăm con trai mới 5 tuổi bị bỏng nước nóng hàng chục ngày tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, cho biết: Được nghỉ hè, con trai ở nhà chơi với bà nội, không may trượt ngã rồi bỏng nước sôi toàn bộ phần lưng và vai. Nhập viện điều trị gần chục ngày, vết thương tuy có đỡ nhưng con vẫn rất đau đớn, ăn uống kém, chưa biết bao giờ mới được xuất viện. Các bác sỹ cho biết, bỏng nước sôi rất phức tạp và đau rát, tùy vào vết thương nông hay sâu mà thời gian điều trị dài hay ngắn, trong đó rất cần kiên trì, giữ vệ sinh cho đến khi vết thương lành, lên da non…
Thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, mỗi năm vào dịp hè, các bệnh viện đều tiếp nhận nhiều hơn các trường hợp trẻ em nhập viện do tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, với các mức độ khác nhau. Bởi thời điểm nghỉ hè, trẻ em thường tự do vui chơi, thiếu sự giám sát của người lớn. Với những trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi thường gặp các tai nạn thương tích như: bỏng, hóc dị vật, tự ngã, chẹt tay chân vào cửa, cầu thang… Còn đối với trẻ từ 6 đến 15 tuổi thường gặp các tai nạn về giao thông, đuối nước, điện giật, ngã gẫy tay, chân…
Tai nạn, thương tích ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Đã có những trường hợp, do gia đình không biết cách sơ cứu, khi đưa vào viện gây nhiễm trùng vết thương, khiến tình trạng thương tích của trẻ nặng hơn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và kéo dài, để lại di chứng cho các em lâu dài, thậm chí đến suốt đời.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 1 nghìn trẻ em trong độ tuổi từ 1 tuổi đến dưới 18 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó phổ biến là các tai nạn do đuối nước, giao thông, chó cắn; tiếp đến là bị bỏng các loại, chấn thương do chơi, trượt ngã, thương tích do vật sắc nhọn, hóc…
Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hàng trăm trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có hàng chục trường hợp tử vong và nhiều hơn cả là tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông.
Bác sỹ Trần Văn Toản, Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho biết: Tai nạn thương tích rất dễ xảy ra ở trẻ em vì sự hiếu động, tò mò, nhưng chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Tính từ khi học sinh được nghỉ hè đến nay, số vụ tai nạn thương tích bắt đầu tăng lên, với khoảng 20%; trong đó có khoảng 50% số trẻ bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt như chó cắn, bỏng, ngã.., trong số đó, nguyên nhân do tai nạn giao thông chiếm nhiều hơn cả.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, nhưng sâu xa là do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn. Do đó, để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích cho trẻ em trong mùa hè, điều cần thiết nhất là người lớn nên dành thời gian quan tâm, chăm sóc, quản lý con, cháu mình, bảo đảm sự an toàn tuyệt đối cho các em. Cần cho trẻ tham gia học và dạy cho trẻ cách nhận biết, phòng tránh các loại tai nạn thường gặp, dễ xảy ra trong cuộc sống để phòng tránh…
Đồng thời, cha mẹ và người lớn cũng cần tìm hiểu để nắm bắt được các kỹ năng xử lý tai nạn thương tích, sơ cứu kịp thời khi trẻ gặp nạn. Cần có thêm các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho các em, hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Đặc biệt, khi trẻ không may bị tai nạn thương tích, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, không nên tự điều trị theo phương pháp dân gian, có thể để lại di chứng đáng tiếc cho các em.
Bài, ảnh: Hạnh Chi