Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cho biết đã nhận được báo cáo của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) về việc một số cá nhân, tổ chức giả mạo là nhân viên của KIS lập quỹ đầu tư GEM Việt Nam nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Các cá nhân giả mạo là nhân viên của KIS lập hội, nhóm trên zalo có tên “Nhóm Zalo: (A221). Giao lưu phân tích đầu tư chứng khoán; YY03 XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN” nhằm dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển báo cáo của KIS đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý và lưu ý nhà đầu tư khi truy cập vào địa chỉ mạng xã hội nêu trên.
Trước đó, các công ty chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhiều lần cảnh báo về tình trạng giả mạo các công ty, quỹ đầu tư để dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư. Gần nhất vào cuối năm 2023 xuất hiện thủ đoạn mạo danh Quỹ đầu tư Carlyle VN trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ cho quỹ đầu tư Carlyle VN.
Theo cảnh báo từ Công an thành phố Hà Nội, gần đây xuất hiện thủ đoạn mạo danh Quỹ đầu tư Carlyle VN để thực hiện hành vi lừa đảo. Đã có nạn nhân tham gia đầu tư và bị chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng. Nạn nhân cho biết được hướng dẫn đầu tư thông qua ứng dụng Quỹ đầu tư Carlyle VN. Khi tham gia các buổi livestream, người đầu tư được tặng tiền, được “thầy” giới thiệu nhiều gói ưu đãi, có nhiều mã khuyến nghị, hướng dẫn đầu tư cổ phiếu tăng giá mạnh. Nhóm này quảng cáo, đầu tư giao dịch vào quỹ có thể nhận tiền về tài khoản đầu tư ngay sau khi đặt lệnh chốt và có thể đặt lệnh rút tiền luôn, nhanh hơn hẳn so với các sàn giao dịch thông thường.
Các “thầy” quảng cáo có mức lãi suất khủng 500 – 800% bằng cách dùng đòn bẩy. Nạn nhân được hướng dẫn mua mã cổ phiếu giao dịch “…x5” với mức nạp tiền tối thiểu hơn 200 triệu đồng. Khi nạp tiền xong, các đối tượng tiếp tục mời chào mã cổ phiếu giao dịch “…x8”. Nạp số tiền 200 triệu đồng, nạn nhân nhận được số cổ phiếu gấp nhiều lần và được yêu cầu nếu không nạp đủ số tiền còn thiếu sẽ bị đóng băng tài khoản và không được giao dịch. Nạn nhân đã chuyển thêm 400 triệu đồng để đủ số tiền còn thiếu. Khi nạn nhân rút tiền không được, các đối tượng yêu cầu chuyển phí thường niên (25% tổng lợi nhuận trước) để nạn nhân tiếp tục chuyển 200 triệu đồng. Tiếp đó yêu cầu đóng phí sử dụng tài khoản cho thành viên VIP là 15% tổng số tiền đã nạp (200 triệu đồng); đóng thuế giá trị gia tăng 10% lợi nhuận (150 triệu đồng); đóng 10% tiền phí giới thiệu khi mở tài khoản. Sau khi đóng quá nhiều phí mà không rút được tiền, lúc này nạn nhân mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo…