Thêm một quy định của chính phủ Canada bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21.1, nối tiếp loạt thắt chặt với du học sinh mà chính phủ liên bang nước này công bố trong những tháng gần đây.
Nhiều thắt chặt mới, vì sao?
Theo đó, quy định được công bố hồi tháng 9.2024 và mới hoàn thiện vào ngày 14.1.2025 nêu rõ, vợ hoặc chồng của du học sinh thạc sĩ giờ chỉ được đi làm nếu chương trình học của thân nhân đi cùng họ kéo dài ít nhất 16 tháng, thay vì dưới 16 tháng như trước. Bên cạnh đó, vợ/chồng của du học sinh tiến sĩ và của du học sinh đang học các chương trình “chuyên nghiệp và đủ điều kiện” nhất định cũng sẽ được đi làm.
Trong thông cáo chính thức của chính phủ Canada, Bộ Di trú, tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC) cho biết thêm, nước này cũng chỉ cấp giấy phép lao động (OWP) cho vợ/chồng của người lao động nước ngoài làm việc trong nhóm ngành TEER 0, 1 hay một số ngành thuộc nhóm 2, 3. TEER tập trung vào các yêu cầu về đào tạo, giáo dục, kinh nghiệm và trách nhiệm với mỗi công việc trong đó TEER 0 là nhóm nghề nghiệp quản lý còn TEER 1 là các ngành nghề thường yêu cầu bằng ĐH.
Chính phủ Canada cũng nhấn mạnh, giấy phép lao động của người lao động nước ngoài phải còn hiệu lực ít nhất 16 tháng thì vợ/chồng mới đủ điều kiện xin OWP. Con cái của người lao động nước ngoài cũng sẽ không được cấp OWP như trước nữa, quy định nêu. IRCC cũng trấn an rằng nếu đã có OWP từ trước và giấy phép vẫn còn hạn, người nước ngoài vẫn có thể tiếp tục làm việc như bình thường.
“Chính phủ Canada đang tiếp tục củng cố tính toàn vẹn và sự chất lượng của các chương trình tạm trú, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu kinh tế, nhu cầu thị trường lao động của đất nước”, IRCC lý giải nguyên nhân của những thay đổi trên. Đơn vị cho biết các thay đổi này không ảnh hưởng đến vợ/chồng của người lao động thuộc diện hiệp định thương mại tự do, và vợ/chồng của người đang xin định cư.
Thời điểm công bố quy định mới này được cho là “tồi tệ nhất” với những sinh viên quốc tế vừa tốt nghiệp vì nhiều người đang chuẩn bị nộp hồ sơ xin giấy phép lao động sau tốt nghiệp (PGWP), theo ông Gautham Kolluri, sáng lập viên CIP StudyAbroad. “Chưa kể, thị trường việc làm sau kỳ nghỉ thường ảm đạm. IRCC lẽ ra nên thông báo sớm hơn và cho phép quy định mới có hiệu lực từ 1.5 để du học sinh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị”.
Liên tục ra quy định “siết” với du học sinh
Từ năm 2025, IRCC quyết định giảm 10% hạn ngạch giấy phép du học cấp mới so với 2024, chỉ cấp 437.000 cho sinh viên quốc tế. Việc hạn chế áp dụng với bậc thạc sĩ, tiến sĩ, thay vì chỉ ở bậc cử nhân như trước và nhóm này được ưu tiên dành riêng 12% chỉ tiêu. Cũng từ năm nay, IRCC dừng chương trình du học diện miễn chứng minh tài chính (SDS) với du học sinh đến từ Việt Nam và 13 quốc gia khác.
Trước đó, IRCC cũng tăng gấp đôi yêu cầu chứng minh tài chính đối với sinh viên quốc tế, lên mức 20.635 CAD (tương đương 363.000.000 đồng), bên cạnh học phí, chi phí đi lại trong năm đầu tiên. IRCC cũng cho biết sinh viên quốc tế muốn chuyển trường trong khi học ở Canada nay phải xin giấy phép du học mới, thay vì chỉ cần cập nhật thông tin liên quan lên hệ thống của IRCC.
Về tín hiệu tích cực, IRCC vài ngày trước mở rộng cơ hội để du học sinh ở lại làm việc, thể hiện qua việc tăng gần 40 chương trình đào tạo và một lĩnh vực mới trong danh sách ngành đang thiếu hụt nhân lực dài hạn. Đơn vị này hồi tháng 11.2024 cũng cho biết tăng số giờ sinh viên quốc tế được phép đi làm thêm ngoài khuôn viên trường trong thời gian học, lên tối đa 24 giờ/tuần thay vì chỉ 20 giờ như trước.
Theo báo cáo từ IRCC, Canada thu hút hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đến học trong năm 2023. Thống kê của IRCC cũng cho thấy tổng số người Việt học tập tại Canada từng có xu hướng giảm liên tục, từ 21.480 người vào năm 2019, đến năm 2022 còn 16.140 người. Nhưng vào năm 2023, du học sinh Việt ở Canada tăng nhẹ, lên 17.175 người và giữ vị trí thứ 8 về số lượng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/canada-siet-quy-dinh-lam-viec-voi-than-nhan-cua-du-hoc-sinh-185250121225216131.htm