Trẻ có thể mắc sởi vào mùa hè, ngay cả khi tiêm phòng vắc-xin, triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh khác, dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vừa điều trị cho bé Thanh An, 11 tháng tuổi bị mắc sởi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục không hạ, phát ban ở mặt, họng có mủ trắng, loét.
Ảnh minh họa. |
Chị Thanh Hà, mẹ bệnh nhi, cho biết cách đây một tháng, bé đã tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi tại một cơ sở y tế địa phương.
Khoảng 4 ngày trước, bé xuất hiện những dấu hiệu bệnh. Bé chưa đi học, không tiếp xúc với người lạ, đang trong giai đoạn mùa hè vốn không phải cao điểm bệnh sởi nên gia đình không nghĩ con bị bệnh này.
“Tưởng bị sốt phát ban nên cho bé uống thuốc nhưng không giảm”, chị Hà cho biết.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được vệ sinh da, mắt, miệng họng, cho uống thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải, đồng thời bổ sung vitamin A liều cao. Sau 5 ngày, trẻ giảm các triệu chứng, được xuất viện về nhà theo dõi thêm.
Theo các bác sỹ, đây là ca bệnh sởi trái mùa đầu tiên ghi nhận tại bệnh viện trong năm 2024. Hè năm ngoái, bệnh viện này không ghi nhận ca bệnh liên quan đến sởi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước có 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Nhiều địa phương trên cả nước cũng ghi nhận các ca trẻ mắc bệnh sởi trái mùa. Tháng 5 vừa qua, Sở Y tế TP.HCM có 2 trường hợp trẻ 13-15 tháng tuổi mắc bệnh sởi, trước đó chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh.
BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, sởi có hai thể. Trong đó thể không điển hình thường phát ban ít, viêm đường hô hấp nhẹ, thoáng qua nên nhiều phụ huynh không nghĩ trẻ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, bệnh thường bùng phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết mát mẻ, ẩm ướt kéo dài. Vì vậy, phụ huynh thường chủ quan, khiến bệnh sởi trái mùa trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho rằng tiêm vắc-xin đồng nghĩa với việc trẻ có thể miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, không có loại vắc-xin nào hiệu quả 100%.
Với sởi, nếu trẻ được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi thì sẽ đáp ứng miễn dịch 80-85%, tiêm nhắc mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ là 90-95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc tiêm đủ hai mũi theo lịch tiêm chủng, trẻ sẽ có miễn dịch suốt đời.
Cùng với tiêm vắc-xin đầy đủ, phụ huynh cần lưu ý giúp trẻ vệ sinh cá nhân, môi trường sống thật sạch sẽ. Trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, làm sạch mũi, họng với dung dịch chuyên dụng hoặc nước muối sinh lý.
Bé đeo khẩu trang khi ra đường hoặc đến nơi công cộng, không nên cho trẻ tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh. Khi trẻ có các biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi, có nốt phát ban đỏ…, cần đến cơ sở y tế gần nhất.
Sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và lây qua đường không khí do virus gây ra, thường gặp ở những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các chuyên gia y tế cho rằng, sởi là bệnh truyền nhiễm có mức độ nguy hiểm xếp trên cả các bệnh ebola, lao hay cúm.
Virus gây bệnh sởi có thể lây lan trong không khí và tồn tại ở môi trường bên ngoài trong 2 giờ đồng hồ. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu chưa được tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi hoặc cơ thể chưa có kháng thể phòng sởi, tỷ lệ lây nhiễm nếu có tiếp xúc gần trong trường hợp này lên đến 90%.
Theo CDC, cứ 5 người chưa được tiêm chủng thì có 1 người mắc bệnh sởi phải nhập viện. Bệnh có khả năng để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt…
Trẻ em không tiêm vắc-xin đúng lịch có nguy cơ tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não và tử vong. Cứ 20 trẻ thì có 1 trẻ bị viêm phối – nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do bệnh sởi ở trẻ nhỏ.
Khoảng 1/1.000 trẻ mắc bệnh sởi sẽ bị viêm não nguy hiểm, có thể dẫn đến co giật và khiến trẻ bị điếc hoặc thiểu năng trí tuệ. Cứ 1.000 trẻ em mắc bệnh sởi sẽ có từ 1 đến 3 trẻ tử vong do các biến chứng về hô hấp và thần kinh.
Các biến chứng khác bao gồm điếc và các khuyết tật suốt đời. Vào năm 2022, ước tính có khoảng 9 triệu ca mắc sởi và 136.000 ca tử vong, trong đó chủ yếu là trẻ em.
Phụ nữ mang thai chưa tiêm vắc-xin MMR, nếu mắc bệnh sởi có thể gây sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo về sự lây lan nhanh chóng của bệnh sởi trên toàn thế giới. Việc giảm tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ nhiễm sởi và tử vong.
Theo thống kê của WHO, có tới 306.000 trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo vào năm 2023 trên toàn cầu, tăng 79% so với năm 2022. Số ca mắc sởi năm 2023 tại khu vực châu Âu cũng đã tăng hơn 30 lần so với năm 2022 và ở Tây Thái Bình Dương, con số này lên đến 255%.
Tại Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin cho trẻ em đã có nhiều ảnh hưởng.
Các chuyên gia cho biết, năm 2024 là năm đầy thách thức, do nằm trong chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch. Đợt dịch sởi bùng phát mạnh vào năm 2014 ở nước ta có tới hơn 7.000 trẻ mắc bệnh, với hơn 100 ca tử vong, trong đó có 25 ca do bệnh sởi, còn lại là do mắc sởi kết hợp với các bệnh nền khác như: viêm phổi, viêm đường hô hấp, tim mạch, suy dinh dưỡng…
Vắc-xin sởi được khuyến cáo tiêm cho trẻ em ngay từ 9 tháng tuổi để chặn đứng nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, Việt Nam đang lưu hành vắc-xin sởi đơn (MVVAC) và vaccine phối hợp dành cho mọi lứa tuổi bao gồm MR (phòng sởi – rubella), vắc-xin 3 trong 1 MMR, MMR II và Priorix (phòng sởi – quai bị – rubella).
Nguồn: https://baodautu.vn/can-trong-soi-trai-mua-o-tre-nho-d220856.html