Siết chặt công tác quản lý, cấp phép tài nguyên nước
Nguồn tài nguyên nước được xem là tài nguyên quý giá phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, TP. Cần Thơ đã tập trung quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt, nước dưới đất; lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; thực hiện các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước; quản lý không gian tiêu thoát nước bảo đảm lưu thông dòng chảy ở các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, TP. Cần Thơ cũng siết chặt công tác cấp phép khai thác sử dụng tài nguyên nước đúng theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm trở lại đây, TP. Cần Thơ đã áp dụng triệt để biện pháp nơi nào đã có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp đủ về số lượng và chất lượng thì không cấp mới giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; đồng thời, thường xuyên thực hiện quan trắc động thái nước dưới đất ở 9/9 quận, huyện, qua đó, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước cũng như ảnh hưởng của xâm nhập mặn và các hoạt động của con người đối với nguồn nước dưới đất.
Đối với nguồn nước mặt trên các tuyến sông, kênh rạch, TP. Cần Thơ tăng cường giám sát các nguồn nước thải phát sinh tại khu, cụm công nghiệp thông qua việc yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất có hoạt động xả nước thải phải có biện pháp, lộ trình thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; đồng thời, để góp phần nâng cao hiệu quả dự báo, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, TP. Cần Thơ còn đầu tư và đưa vào vận hành 4 trạm quan trắc tự động được đặt tại điểm đầu và cuối nguồn sông Hậu, Khu công nghiệp Trà Nóc và khu vực cấp nước sinh hoạt của thành phố.
Ông Phạm Nam Huân – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Thông qua các thông số dữ liệu từ các trạm quan trắc nước mặt tự động đã giúp cho các cơ quan, đơn vị chức năng quản lý của TP. Cần Thơ theo dõi, cũng như giám sát được chất lượng môi trường nước trên các sông, kênh rạch ngày càng tốt hơn. Qua đó, góp phần đảm bảo nguồn nước để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố ngày càng ổn định, bền vững.
Đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển bền vững
Ông Phạm Nam Huân – Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho hay: Hiện nay, nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn thành phố đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của TP. Cần Thơ. Do vậy, để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố ngày càng bền vững, Sở TN&MT hiện đang tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ tập trung siết chặt công tác quản lý, cấp phép khai thác nguồn nước nước mặt, nước dưới đất cho các tổ chức, cá nhân; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc xả nước thải từ các khu, cụm công nghiệp vào sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố; phục hồi nguồn nước tại một số tuyến sông, kênh rạch bị ô nhiễm hoặc suy thoái bảo đảm chức năng của nguồn nước; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Cùng với đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai thực hiện Đề án Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ. Trong đó, xác định cụ thể phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước theo chức năng và biên tập các bản đồ phân tích, đánh giá chức năng nguồn nước; đồng thời, lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phân vùng chức năng nguồn nước, xác định tỷ lệ và thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước trong trường hợp bình thường và xảy ra hạn hán thiếu nước, xây dựng nguồn nước dự phòng đảm bảo đủ cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.
Song song đó, TP. Cần Thơ sẽ thường xuyên tổ chức rà soát để bổ sung vào danh mục các ao, hồ, sông kênh rạch không được san lấp; đồng thời, đầu tư lắp đặt thêm một số trạm quan trắc nước mặt tự động tại khu vực nông thôn để giúp cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngày càng hiệu quả hơn; xây dựng các tuyến đê ngăn mặn, cống hở điều tiết nguồn nước, nạo vét kênh rạch để tăng cường khả năng tích trữ nguồn nước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
TP. Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh như: An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp,… để thực hiện đồng bộ các quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước mặt trên các lưu vực sông, kênh rạch liên tỉnh, góp phần tạo động lực giúp Cần Thơ nói riêng, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển kinh tế – xã hội ngày càng bền vững.