Chỉ cần thay đổi một chút trong những câu xã giao quen thuộc, chúng ta sẽ khiến cuộc chuyện trò trở nên thú vị, thân tình, tự nhiên hơn. Theo chuyên gia giao tiếp người Mỹ Lorraine Lee, ngay cả người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cũng có những lúc rơi vào sự ngượng nghịu, vì những câu hỏi và câu trả lời mang tính xã giao rập khuôn.
Nhiều khi đôi bên hồi đáp nhau như một thói quen, sau đó, cuộc chuyện trò bỗng trở nên khô khan. Bí quyết để phát huy tác dụng của những câu xã giao quen thuộc chính là hỏi đáp có tính gợi mở, để kích thích những tương tác tiếp theo.
Chủ động đặt câu hỏi gợi mở
Việc chuẩn bị sẵn một số câu hỏi xã giao khéo léo rất có tác dụng trong những cuộc chuyện phiếm. Bạn có thể khiến cuộc chuyện trò trở nên hào hứng hơn bằng cách thay đổi những câu hỏi quen thuộc, chẳng hạn:
—
Câu hỏi quen thuộc: “How are you?” (Bạn khỏe không?).
Câu hỏi hay hơn: “What are you excited to be working on?” (Điều gì khiến bạn thấy hứng thú dạo gần đây?).
—
Câu hỏi quen thuộc: “How was your weekend?” (Cuối tuần vừa rồi của bạn thế nào?).
Câu hỏi hay hơn: “What was the highlight of your weekend?” (Điểm nhấn trong dịp cuối tuần vừa qua của bạn là gì?).
—
Câu hỏi quen thuộc: “What brought you to this event?” (Điều gì đưa bạn tới đây?).
Câu hỏi hay hơn: “What’s been your favorite takeaway so far?” (Tính đến thời điểm này, điều gì ở đây khiến bạn cảm thấy thích thú nhất?).

Chỉ cần thay đổi một chút trong những câu xã giao quen thuộc, chúng ta sẽ khiến cuộc chuyện trò trở nên thú vị, thân tình, tự nhiên hơn (Ảnh minh họa: Freepik).
Chủ động hồi đáp theo cách gợi mở
Khi được hỏi những câu có tính xã giao khuôn mẫu như: “How was your weekend?” (Cuối tuần của bạn thế nào?), nếu bạn muốn cuộc chuyện trò trở nên thú vị hơn, đừng trả lời một cách ngắn gọn rập khuôn.
Bạn có thể đáp: “My weekend was great! I went hiking and celebrated my niece’s birthday” (Cuối tuần của tôi rất vui. Tôi đi leo núi và ăn mừng sinh nhật của cháu gái). Trong câu trả lời này, bạn đã đưa ra 2 thông tin mở rộng, nhờ đó, người hỏi có thể hỏi thêm về chuyến leo núi hoặc về cháu gái của bạn.
Dưới đây là một số ví dụ về cách bạn có thể hồi đáp theo cách gợi mở, dù nhận được những câu hỏi xã giao rất quen thuộc:
—
Hỏi: “What brings you to this place/event?” (Điều gì đưa bạn đến nơi này/sự kiện này vậy?).
Trả lời quen thuộc: “I’m here for work” (Tôi đến đây vì công việc).
Trả lời hay hơn: “I’m here hoping to learn more about [X topic] to help my team achieve [Y goal]. I’m excited to meet others looking to do similar things. How about yourself?” (Tôi đến đây với hy vọng tìm hiểu thêm về [chủ đề X], mong giúp nhóm của tôi đạt được [mục tiêu Y]. Tôi rất phấn khích được gặp những người có cùng mục tiêu. Còn bạn thì sao?).
—
Hỏi: “How are you?” (Bạn khỏe không?).
Trả lời quen thuộc: “I’m good. Busy as usual, you know how it is!” (Tôi ổn. Vẫn bận như thường, bạn biết thế nào rồi đấy!).
Câu trả lời hay hơn: “I’m good! Work has been keeping me on my toes, but I just started a new project that I’m really excited about. How about your?” (Tôi ổn! Công việc khiến tôi luôn bận rộn để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi việc, tôi vừa bắt đầu một dự án mới khiến tôi khá phấn khích. Bạn thì sao?).
—
Hỏi: “How’s it going?” (Mọi việc thế nào?).
Trả lời quen thuộc: “Things are good on my end” (Mọi chuyện của tôi vẫn ổn).
Trả lời hay hơn: “I’ve been focused on wrapping up [X project], and I’m excited to share it at the all-hands next week. I’d love to hear your thoughts after!” (Tôi đang tập trung vào việc hoàn tất [dự án X] và rất chờ đợi được chia sẻ với mọi người vào tuần tới. Tôi rất mong được nghe ý kiến của bạn sau đó!).

Ngay cả người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cũng có những lúc rơi vào sự ngượng nghịu, vì những câu hỏi và câu trả lời mang tính xã giao rập khuôn (Ảnh minh họa: Freepik).
Nghệ thuật nói chuyện phiếm
Nếu không biết cách tương tác, “small talk” (chuyện phiếm) có thể khiến cuộc chuyện trò trở nên ngượng nghịu và vô nghĩa. Nếu biết cách thực hiện khéo léo, chuyện phiếm là một trong những cách hữu hiệu nhất để gây dựng các mối quan hệ.
Dù vậy, khi chuyện phiếm, thường chúng ta dễ hỏi những câu sáo rỗng, rập khuôn, chẳng hạn: “How are you?” (Bạn khỏe không?), “How’s the weather?” (Thời tiết thế nào?), “How was your weekend?” (Cuối tuần của bạn thế nào?)…
Khi đặt ra những câu hỏi rập khuôn như vậy, bạn gần như có thể đoán trước những câu trả lời cũng rất khuôn sáo. Chẳng hạn: “I’m good, thanks. How about you?” (Tôi ổn, cảm ơn. Còn bạn thì sao?), “It’s so cold!” (Trời lạnh quá), “My weekend was good, thanks. How about yours?” (Cuối tuần của tôi ổn, cảm ơn. Bạn thì sao?).
Để tránh rơi vào tình trạng chuyện phiếm ngượng nghịu, chúng ta cần biết cách nối dài cuộc chuyện trò một cách tự nhiên, đưa tới những tương tác ý nghĩa hơn, đưa đẩy câu chuyện thú vị hơn.

Bí quyết để phát huy tác dụng của những câu xã giao quen thuộc chính là hỏi đáp có tính gợi mở, để kích thích những tương tác tiếp theo (Ảnh minh họa: Freepik).
Hãy chủ động nếu muốn kéo dài câu chuyện
Tập trung lắng nghe là cách để bạn nhìn ra nội dung giúp tiếp tục “đưa đẩy” câu chuyện. Chẳng hạn, bạn hỏi ai đó đến từ đâu và họ đáp rằng đến từ thành phố San Francisco (Mỹ). Hãy bám vào thông tin bạn vừa được cung cấp để đặt câu hỏi tiếp theo, chẳng hạn: “What’s your favorite part about living there?” (Điều khiến bạn yêu thích nhất khi sống ở đó là gì?).
Nếu từng tới thành phố San Francisco, bạn cũng có thể chia sẻ về những trải nghiệm từng có tại nơi này. Khi bạn chia sẻ nhiều hơn về bản thân, thường đối phương cũng cởi mở hơn để chia sẻ về chính họ.
Nếu bạn cảm thấy khó tiếp tục một cuộc trò chuyện bởi đối phương không đưa ra những thông tin có tính gợi mở, hãy thử nói về điều mà bạn đang nhìn thấy. Điều này đặc biệt phát huy tác dụng trong những tình huống như bạn đang thực hiện cuộc gọi video.
Khi ấy, bạn có thể hỏi về điều gì đó bạn thấy xuất hiện trong khuôn hình của đối phương, chẳng hạn một bức tranh, một bức ảnh hay thậm chí là hình nền mà họ lựa chọn sử dụng trong cuộc gọi.
Sử dụng ngôn ngữ tích cực
Muốn cuộc chuyện phiếm vui vẻ, hãy đặt câu hỏi và hồi đáp bằng ngôn ngữ tích cực. Những từ như “excited” (phấn khích), “highlight” (điểm sáng, điểm nhấn), “favorite” (yêu thích nhất)… là những từ mang lại cảm nhận tích cực. Khi dùng ngôn từ tích cực, cả bạn và đối phương đều có thái độ vui vẻ hơn trong cuộc trò chuyện.
Theo CNBC
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/cach-lam-moi-nhung-cau-xa-giao-da-cu-trong-tieng-anh-20250223112459307.htm