Khối ECOWAS hôm thứ Năm vừa rồi đã quyết định thiết lập một lực lượng quân đội đặc biệt để khôi phục lại chính quyền dân sự cũ ở Niger và phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.
Vài giờ trước đó, hai quan chức phương Tây nói với hãng tin AP rằng chính quyền quân sự của Niger đã dọa sẽ giết ông Bazoum nếu các quốc gia láng giềng can thiệp sự vào nước này.
Dù đang chuẩn bị, song chưa rõ lực lượng ECOWAS sẽ phát triển khi nào và ở đâu. Tuy nhiên, các chuyên gia về xung đột cho biết lực lượng này có thể bao gồm khoảng 5.000 quân do Nigeria chỉ huy và có thể sẵn sàng trong vòng vài tuần.
Sau cuộc họp ECOWAS, Tổng thống Bờ Biển Ngà, Alassane Ouattara, cho biết đất nước của ông cũng sẽ tham gia vào chiến dịch quân sự, cùng với Nigeria và Benin.
“Bờ Biển Ngà sẽ cung cấp tiểu đoàn và đã thu xếp mọi khoản tài chính… Chúng tôi quyết tâm giúp Bazoum trở lại vị trí của ông ấy. Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình và ổn định ở tiểu vùng. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi”, ông Ouattara tuyên bố trên truyền hình nhà nước.
Pháp và Mỹ, cùng Liên minh châu Phi, đã chính thức lên tiếng ủng hộ kế hoạch can thiệp quân sự của ECOWAS. Hiện, hai cường quốc có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền cũ này đang có sẵn khoảng 2.500 nhân viên quân sự ở Niger.
Nhóm đảo chính, do Tướng Abdourahmane Tchiani lãnh đạo, tuyên bố rằng họ có thể làm tốt hơn chính quyền của ông Bazoum trong việc bảo vệ quốc gia khỏi bạo lực khủng bố và đang nhận được sự ủng hộ của công chúng.
Nhiều người dân ở Thủ đô Niamey hôm thứ Sáu cho biết ECOWAS không liên quan đến những gì đang xảy ra và không nên mạo hiểm. “Đó là công việc của chúng tôi, không phải của họ. Họ thậm chí còn không biết lý do tại sao đảo chính lại xảy ra ở Niger”, Achirou Harouna Albassi, một người dân cho biết.
Hàng trăm người đã tuần hành về phía căn cứ quân sự của Pháp ở Niamey hôm thứ Sáu và la hét “Đả đảo Pháp”. Nhiều người còn trẻ, kể cả trẻ em, tất cả đều hô vang rằng người Pháp nên ra đi.
Trong khi đó, Nga hôm thứ Sáu cho biết nước này mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Niger thông qua biện pháp hòa giải.
“Nga ủng hộ các nỗ lực hòa giải của ECOWAS nhằm tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Niger.
Bộ này cũng cho biết rằng một cuộc can thiệp quân sự có thể dẫn đến “cuộc đối đầu kéo dài” ở Niger và gây bất ổn cho khu vực Sahara-Sahel.
Hôm thứ Năm vừa rồi, chính quyền quân sự ở Niger cũng đã công bố một chính phủ mới, khi bổ nhiệm Ali Lamine Zeine làm thủ tướng lâm thời với nội các gồm 21 thành viên, sau khi tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 26 tháng 7.
Huy Hoàng (theo AP, CBC, France24)