Theo đó tại quy định hiện hành, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Tuy nhiên, theo Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 39/2016, có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây thì ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác, không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe.
Như vậy, một khách hàng cá nhân đang có khoản vay tại ngân hàng A, nhận thấy ngân hàng B có lãi suất cho vay thấp hơn thì có thể đề xuất ngân hàng này cho vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay. Khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tốt hơn còn ngân hàng B cũng có thêm khách vay.
Quy định này được cho là một chiếc phao cứu sinh đối với nhiều người đang gặp áp lực tài chính do vướng vào các khoản vay trong giai đoạn lãi suất lên cao. Có một số trường hợp người vay mua nhà đang phải “còng lưng” để trả khoản nợ với mức lãi suất lên tới 15%/năm khi khoản vay hết ưu đãi.
Như vậy, với việc Thông tư 06 có hiệu lực, những người đang phải vay lãi cao có khả năng huy động được một khoản vay mới tại nhiều ngân hàng với mức lãi hiện tại đang dao động ở mức 10%/năm. Thậm chí với một số ngân hàng nhà nước, mức lãi suất cho vay thế chấp đang ở mức khá ưu đãi trong khoảng 9%. Chưa kể đến việc, khoản vay mới còn được nhận ưu đãi lãi suất cố định có thể từ 1 đến 5 năm tùy ngân hàng.
Với việc giảm được lãi suất từ 4-5%/năm, tương đương với việc giảm được khoảng 30% tiền lãi. Vì vậy việc các ngân hàng tham gia “chạy đua” giảm lãi đang là kỳ vọng của rất nhiều người đang vướng phải khoản vay lãi cao.
Đánh giá về vấn đề này TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nhận định, bản chất của quy định này là mua bán nợ nên có thể tới đây sẽ có sự chuyển dịch khách hàng giữa các ngân hàng thương mại cổ phần với ngân hàng lớn có vốn của Nhà nước. Ở các ngân hàng có vốn nhà nước, do huy động được lãi suất thấp nên lãi suất đầu ra cạnh tranh hơn.
Các quy định mới này của Thông tư 06 còn có tác động tích cực tới thị trường tài chính, đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các ngân hàng. Để giữ chân được khách hàng, chính các ngân hàng phải tìm cách cân đối và đưa ra một mức lãi suất phù hợp. Nếu tổ chức tín dụng nào cạnh tranh tốt, các điều kiện tín dụng thuận lợi thì có thể thu hút nhiều khách hàng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng về sự cạnh tranh thông qua quy định của Thông tư 06, nhiều người cũng đang thắc mắc về cách thức chuyển đổi nợ này. Đặc biệt là thủ tục vay mới cho các khoản vay thế chấp, khi mà các giấy tờ thế chấp vẫn đang bị giữ lại tại ngân hàng cho vay đầu tiên.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng lý giải, khách hàng phải hoàn tất thủ tục vay của ngân hàng mới, rồi tất toán khoản vay với ngân hàng đang cho vay. Nhưng người vay phải có tài sản khác để thế chấp, tức là phải có tối thiểu hai tài sản mới có thể làm được việc này. Trong thực tế, theo ghi nhận hiện tại, các ngân hàng thương mại vẫn đang trong quá trình xem xét chứ chưa triển khai.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng đang thể hiện lo ngại về việc ngân hàng cũ và khách hàng cố tình đẩy các trường hợp nợ xấu, không còn khả năng chi trả sang ngân hàng mới để vay với hạn mức cao hơn nhằm kéo dài khoản nợ, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngân hàng tiếp nhận sau này. Vì vậy, việc xét duyệt cho vay có thể gắt gao và thận trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc chuyển nợ này còn liên quan đến vấn đề room tín dụng của từng ngân hàng. Khách hàng muốn hưởng lợi từ chính sách sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, ngân hàng cho vay cũng phải lựa chọn khách hàng một cách chặt chẽ hơn.