(CLO) Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm năm 2025 sẽ được tổ chức gắn với sự kiện công bố quyết định công nhận bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm là bảo vật quốc gia.
Ngày 20/2, tin từ Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang cho biết, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm sẽ được tổ chức từ ngày 10/3 đến hết ngày 13/3/2025 (tức từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng Hai năm Ất Tỵ).
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ 3 vị sư tổ khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; tri ân công đức của vị Tổ đệ nhất (Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông) đã đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên – Mông, giữ yên bờ cõi Đại Việt.

Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Tiến Chung
Đặc biệt, Lễ hội năm nay gắn với sự kiện công bố quyết định công nhận bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm là bảo vật quốc gia.
Theo chương trình dự kiến, tại lễ khai hội tối 10/3 sẽ có màn trống hội, múa lân; chương trình nghệ thuật đặc sắc; trao Bằng công nhận Bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đối với bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm.
Các hoạt động khác trong khuôn khổ lễ hội gồm có: Lễ rước theo nghi lễ nhà chùa; trưng bày, thuyết minh, giới thiệu về di tích, di sản và thuyết giảng Phật pháp; trưng bày không gian văn hóa chợ quê; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian…
Theo hồ sơ di sản, bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm gồm 3 pho: Đệ nhất Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Pháp Loa, Đệ tam Huyền Quang.
Trong đó, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông cao 0,85 m, nặng khoảng 60 kg, được đặt trong khám thờ hình chữ nhật. Tượng tạc liền khối Đức Phật hoàng tọa thiền trên bệ gỗ vuông trong thế buông thư, thân khoác y cửu điều. Tượng có thân hình, khuôn mặt cân đối, hài hoà, sống mũi thẳng, mắt hơi nhắm, miệng mỉm cười, tai to dài, đầu cạo tóc.
Tượng Đệ nhị Pháp Loa, Đệ tam Huyền Quang cao 0,83-0,85 m; nặng khoảng 65 kg, tạc liền khối gồm tượng và bệ. Tượng Pháp Loa mang dáng vẻ của một nhà sư, dáng người thon cao, đầu cạo tóc, khuôn mặt cân đối, mũi cao, tai dài, thần thái từ bi, phúc hậu.
Tượng ngồi trong tư thế thiền, 2 chân xếp bằng, 2 tay kết ấn để trong lòng đùi. Thân tượng khoác áo nhà Phật với những đường nét mềm mại, phủ kín toàn bộ thân mình.

Đoàn rước tại Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Tư liệu chùa Vĩnh Nghiêm
Tượng Huyền Quang được tạc trong tư thế ngồi ngay ngắn trên bệ, gương mặt góc cạnh, mũi cao, tai to; hai chân xếp bằng, tay trái đặt trên đùi trái, tay phải cầm cuốn sách.
Theo các chuyên gia, bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm được tạc bằng gỗ mít, là hiện vật gốc độc bản và còn nguyên vẹn; không trùng lặp với bất kỳ pho tượng nào khác về cả tư thế, pháp phục, họa tiết trang trí và hình tướng.
Chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) tọa lạc tại xã Trí Yên, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Chùa được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.
Chùa Vĩnh Nghiêm đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, mộc bản lưu giữ tại chùa được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thế Vũ
Nguồn: https://www.congluan.vn/bo-tuong-tam-to-truc-lam-chua-vinh-nghiem-la-bao-vat-quoc-gia-post335393.html