Nhiều người dân phản ảnh sổ đỏ mới nhỏ hơn sổ đỏ cũ, chỉ còn hai trang (trước đây bốn trang), chỉ đủ cho hai lần ghi thông tin biến động và phải xin cấp mới gây tốn kém.
![Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì về sổ đỏ mới? - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Bo-Tai-nguyen-va-Moi-truong-noi-gi-ve-so.png)
Mẫu sổ đỏ mới áp dụng từ 1-1-2025 – Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường
![Bộ Tài nguyên và Môi trường nói gì về sổ đỏ mới? - Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Bo-Tai-nguyen-va-Moi-truong-noi-gi-ve-so.jpg)
Bà PHẠM THỊ THỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Thịnh – trưởng Phòng đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – khẳng định những thay đổi khi thiết kế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) được nghiên cứu từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến, đồng thời nhằm khắc phục những tồn tại của giấy chứng nhận cũ.
“Sổ đỏ mới được thiết kế in trên khổ giấy A4 có nhiều ưu điểm như gọn gàng, dễ bảo quản, tránh bị gập trong quá trình sử dụng, trong khi đó vẫn thể hiện được những thông tin cơ bản, rõ ràng” – bà Thịnh nói.
Thông tin thể hiện trong mã QR
* Dư luận đặt vấn đề tại sao sổ đỏ lại từ bốn trang xuống còn hai trang và bỏ trang bổ sung, thưa bà?
– Sổ đỏ cũ ngay ở trang 1, diện tích của cả trang chỉ thể hiện được một vài thông tin như quốc hiệu, quốc huy, tên của giấy chứng nhận, tên người được cấp giấy.
Ở lần thay đổi này, toàn bộ thông tin ở trang 1 và trang 2 trước đây đều được đưa về một trang. Phần sơ đồ thửa đất được quy định thể hiện phi tỉ lệ nên cũng dễ thiết kế, nội dung ghi chú còn rất ít, nội dung biến động được ghi ngắn gọn, còn lại thể hiện trong mã QR.
Tại sao phải bỏ trang bổ sung? Vì trang này trước đây thiết kế tách rời với sổ nên rất dễ bị mất mát. Mỗi một lần mất phải xin cấp lại mất nhiều thời gian.
Trước đây, văn phòng đăng ký đất đai phải chuyển lên sở tài nguyên và môi trường mới in được sổ nhưng hiện nay đã phân cấp. Đồng thời quy định về thời gian thực hiện giữa xác nhận thay đổi thông tin trên sổ đỏ và cấp sổ mới là như nhau, quy trình rất gọn, nếu đưa thêm trang bổ sung thì không thể hiện được bảo mật của giấy.
Chưa kể các nước trên thế giới họ cũng sử dụng có hai trang, nhỏ gọn rất tiện lợi. Pháp hay Úc cũng chỉ in sổ đỏ trên khổ giấy A4 và lưu trong cơ sở dữ liệu, khi nào người dân cần thì mới in và họ ghi biến động cũng rất ngắn gọn.
* Vậy sổ đỏ mới ghi được bao nhiêu lần chuyển nhượng – thế chấp?
– Trên sổ đỏ mới ở trang 2 có phần sơ đồ thửa đất, ghi chú và những thay đổi sau khi cấp sổ đỏ. Khi làm sổ đỏ cho người dân, cán bộ nên lưu ý do phần sơ đồ thửa đất thể hiện phi tỉ lệ và nội dung ghi chú rất ít nên thể hiện phần này gọn gàng để phần biến động được rộng hơn.
Trang 2 chúng tôi thiết kế không cần theo kích cỡ cố định. Ngay trong thông tư 10/2024 cũng không quy định bản đồ chiếm bao nhiêu % của tờ giấy mà để cán bộ linh động, ghi biến động chuyển nhượng hay thế chấp sẽ được nhiều lần hơn.
Cán bộ trực tiếp làm công tác cấp sổ đỏ cần phải nghiên cứu những nội dung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã tập huấn về nội dung in sổ đỏ, mã QR, thể hiện phần biến động. Còn người dân chỉ cần sử dụng các phần mềm đọc QR là có thể biết được các thông tin chi tiết về người sử dụng đất, thửa đất, tài sản gắn liền với đất…
Bà PHẠM THỊ THỊNH
10 người mua chung miếng đất chỉ cần ghi tên đại diện
* Như vậy, việc thể hiện nội dung ghi biến động trên sổ đỏ mới ở một số địa phương hiện nay chưa đúng với hướng dẫn?
– Như thông tin báo Tuổi Trẻ đăng tải thì ở Đà Nẵng việc thể hiện trên sổ đỏ mới vẫn tư duy theo luật cũ nên đã ghi dài quá, chưa làm theo hướng dẫn.
Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã có văn bản gửi tới các địa phương hướng dẫn cách in sổ đỏ mới, in mã QR code. Công văn hướng dẫn rất kỹ để gửi các sở tài nguyên và môi trường làm như sổ tay.
Ngoài ra còn rất nhiều công văn hướng dẫn trước khi thực hiện bước in ra giấy theo mẫu sau khi thông tư này có hiệu lực. Lãnh đạo cục chúng tôi cũng trực tiếp đi địa phương hướng dẫn.
Về cách thể hiện nội dung ghi biến động, chúng tôi cũng đã có hướng dẫn ghi cho gọn nhất có thể. Ví dụ ghi nội dung biến động thế chấp ngân hàng chỉ cần ghi “đã thế chấp”, kèm thêm một mã QR động để người dân tiện tra cứu thông tin chi tiết.
Còn trước đây khi thế chấp phải ghi “thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng theo hồ sơ số, hợp đồng số…” thì độ dài ít nhất đã 3-5 dòng và không có mã QR động.
* Người dân thắc mắc ngoài những mã QR động được trang bị ở phần biến động thì ngay trang 1 cũng có mã QR, thưa bà?
– Người dân chỉ cần tải bất cứ phần mềm nào đọc được QR thì sẽ tra cứu được các thông tin chi tiết về người sử dụng đất, thửa đất, tài sản gắn liền với đất.
Mã QR ở trang 1 sẽ phản ánh toàn bộ thông tin trên sổ đỏ và các thông tin về thửa đất, người sử dụng trên hồ sơ địa chính. Ví dụ như có 10 người mua chung miếng đất trước đây ghi hết tên nhưng hiện nay chỉ ghi một người đại diện cho những người sử dụng đất, còn đại diện cho ai thể hiện hết trong mã QR.
Bên cạnh mã QR thì mã sổ đỏ cũng được cập nhật nhằm quản lý về phôi giấy, kiểm soát đầu vào và đầu ra, cơ quan quản lý cấp trung ương biết được bao nhiêu sổ đỏ đã được sử dụng. Mã sổ đỏ được cấp phôi tự động từ cơ sở dữ liệu đất đai và đã có quy định và được áp dụng khi cơ sở hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được đưa vào vận hành, khai thác chính thức.
Sở dĩ trang bị cùng lúc mã QR và mã sổ đỏ, các yếu tố bảo mật là để chống làm giả. Trước đây người xấu có thể làm sổ đỏ giả ngay ca văn phòng công chứng cũng không biết, chính vì vậy ở trang 1 và 2 trong sổ đỏ mới bổ sung yếu tố chống giả.
Tên gọi của sổ đỏ mới và cũ khác nhau như thế nào?
● Sổ đỏ mới: GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT (16 từ), trang bị mã QR.
● Sổ đỏ cũ: GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT (20 từ), không có mã quét QR.
Triển khai mẫu sổ đỏ mới từ 1-1-2025
Bà Phạm Thị Thịnh cho biết với mong muốn người dân tiếp cận hiện đại hóa của ngành quản lý đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai đã tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành thông tư 10/2024 xây dựng mẫu sổ đỏ theo khổ giấy A4. Và việc triển khai mẫu sổ đỏ mới bắt đầu từ ngày 1-1-2025.
Thiết kế sổ đỏ không chỉ thể hiện tính truyền thống đã in vào tiềm thức mỗi người dân, khi nhìn vào sổ đỏ mới đảm bảo sự trang trọng, từng bước giúp người dân tiếp cận công nghệ, thiết bị thông minh, hiện đại hóa ngành quản lý đất đai.
Cần xử nghiêm cán bộ cố tình ghi phần biến động dài lê thê
Mẫu sổ đỏ mới theo thông tư 10/2024 với thiết kế nhỏ gọn, tích hợp mã QR được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính và quản lý đất đai. Việc ứng dụng công nghệ giúp minh bạch hóa thông tin, giảm nguy cơ làm giả và hỗ trợ cơ quan quản lý dễ dàng giám sát biến động.
Thực tế cách thức ghi chép biến động vẫn phụ thuộc vào người thực hiện, có thể dẫn đến việc hết chỗ nhanh hơn dự tính. Bởi vậy các cơ quan chức năng cần kiểm soát việc cấp mới và cấp đổi để không gây phiền hà, thêm gánh nặng hành chính, tạo cơ chế xin – cho.
Ví dụ như khi cấp mới sổ đỏ ở trang 2 cán bộ cần phải chủ động thu gọn phần bản đồ phi tỉ lệ và ghi chú. Tăng “diện tích” cho phần ghi biến động sau khi cấp sổ, ghi nội dung thật gắn gọn và tất cả thông tin chi tiết đưa vào phần mã QR động để người dân tra cứu.
Cần xử lý nghiêm nếu phát hiện cán bộ cố tình ghi phần biến động dài lê thê, không đúng như quy định tại thông tư 10/2024 cũng như các hướng dẫn khác. Về lâu về dài, Nhà nước nên hướng tới chính sách cấp đổi miễn phí khi hết chỗ ghi biến động để giảm bớt chi phí làm sổ đỏ.
Luật sư Trương Anh Tú (chủ tịch TAT Law Firm)
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-noi-gi-ve-so-do-moi-20250214095147822.htm