Trước những quan điểm đối lập này, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, không cấm hoàn toàn dạy thêm, học thêm, mà nhằm quản lý chặt chẽ hơn để khắc phục những tiêu cực trước đây.
Phụ huynh lo vì trường tạm dừng dạy thêm
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Theo nội dung thông tư quy định, chỉ dạy thêm 3 đối tượng gồm: học sinh yếu kém; học sinh giỏi; học sinh ôn thi cuối cấp và không thu phí. Ngoài ra, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với những em mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công giảng dạy trên lớp.
Sau khi thông tư này có hiệu lực đã nhận được không ít ý kiến trái chiều, đặc biệt là phụ huynh và học sinh cuối cấp. Nhiều người cho rằng, việc cấm dạy thêm, học thêm sẽ ảnh hưởng đến kiến thức của các con, đặc biệt là các con đang trong giai đoạn nước rút chuẩn bị thi tốt nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Phú La, quận Hà Đông) chia sẻ: “Ngay những ngày đầu tiền sau kỳ nghỉ Tết, nhóm Zalo của lớp con trai tôi đã nhận được thông báo nhà trường không tổ chức lớp học CLB Toán, Tiếng Việt vào buổi chiều thứ Tư, thứ Năm hàng tuần. Các phụ huynh chủ động đến trường đón con nếu có nhu cầu thì đăng ký trông giữ ngoài giờ”.
Theo như chị Hồng, thông báo của lớp nêu rõ, việc dừng dạy CLB nêu trên là thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, gia đình chị rất lo lắng vì nhà có hai con đang học tiểu học, cả chồng lẫn vợ đều đi làm xa nhà hơn 10km nên không thể xin nghỉ chiều về sớm đón con được. Đặc biệt, một trong hai bé đang học lớp 5, rất cần ôn tập nâng cao để chuẩn bị thi tốt nghiệp. “Vợ chồng tôi mong muốn là con được học CLB văn hóa tại trường để vừa có môi trường lành mạnh, vừa bổ trợ và củng cố kiến thức, phát triển năng lực của con”, chị Hồng cho biết.
Tương tự chị Hồng, anh Nguyễn Quang Hùng (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) cũng bày tỏ tâm trạng sốt sắng khi trường con anh vừa ra thông báo tạm dừng các hoạt động học thêm từ ngày 14/2. Anh Hùng chia sẻ, con anh đang học lớp 5 và dự định sẽ thi trường chất lượng cao nên gia đình có nhu cầu cho con được ôn tập, nâng cao kiến thức. Không được học thêm tại trường, tôi và các phụ huynh đã liên hệ nhờ cô chủ nhiệm kèm cặp con trai tại nhà nhưng cô từ chối và nói rằng, việc chúng tôi đề nghị đang là điều “không được phép” theo quy định mới. Nên cô không thể làm sai.
Cùng chung tâm trạng đó, chị Phạm Thanh Hà (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) cho biết, con gái của chị hiện đang học lớp 9 và chỉ thích học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm và kiên quyết không học thêm cô khác, trung tâm khác. Theo quy định, cô chủ nhiệm sẽ không dạy thêm nữa, trong khi kỳ thi lớp 10 đang đến gần, môn thi thứ 3 thì chưa biết, nay lại không được học thêm khiến gia đình chị rất rối bời. “Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT cũng nên có phương án gì đó, nhất là đối với các em học sinh cuối cấp, bởi các em đang cần bổ sung kiến thức, ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Nếu cứ thế này tôi sợ các em không tự tin để thi được”, chị Hà băn khoăn.
Không chỉ các phụ huynh, học sinh tỏ ra hoang mang, lo lắng mà nhà trường cũng rất trăn trở về điều này. Nói về việc này, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hòa) Hoàng Chí Sỹ cho biết: “Ra Tết, trường quyết định cho tạm dừng các lớp bồi dưỡng kiến thức (học thêm) trong nhà trường. Ngay đầu năm học, cũng như các trường học trên địa bàn thành phố, Trường THPT Lưu Hoàng đã xây dựng khung kế hoạch thời gian cho cả năm học nhưng vì có Thông tư 29 nên bắt buộc phải xây dựng lại kế hoạch học tập khác cho riêng học kỳ II”.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng, việc dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường gây bất cập cho nhiều phía: nhà trường, phụ huynh, học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
Cô Nguyễn Thu Trang, một giáo viên THPT quận Tây Hồ cho biết, học sinh lớp 12 năm nay sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều điều chỉnh trong quy chế thi và quy chế tuyển sinh. Chính vì thế các em cần phải được bồi dưỡng, củng cố kiến thức, tăng cường ôn luyện để đạt kết quả cao. Tuy nhiên việc này là rất khó nếu nhà trường không được tổ chức dạy thêm.
Về mức phí học thêm trong nhà trường, nhiều giáo viên cho rằng đây là mức phù hợp với điều kiện của các bậc phụ huynh. Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng cho biết, thực hiện thông tư và hướng dẫn cũ, trường đang thu mức 7.000 đồng/tiết học thêm; tương ứng 21.000 đồng/buổi. Nếu học thêm ở các trung tâm ngoài nhà trường, mức phí ít nhất là 30.000 đồng/tiết mà chất lượng khó kiểm định; trong khi đó, không ít khu vực ngoại thành chưa có trung tâm dạy thêm.
Về quy định nhà trường không được thu tiền học thêm của học sinh, hiệu trưởng các trường phổ thông tại Hà Nội đều băn khoăn đặt ra câu hỏi: Nếu không thu tiền thì trường lấy nguồn nào để trả công giáo viên? Giáo viên đi dạy không có thù lao, liệu có bảo đảm chất lượng?
Ở một góc nhìn khác, cô Nguyễn Thùy Dương, giáo viên dạy cấp THCS tại huyện Thanh Oai bày tỏ: “Tôi nói thật là có rất nhiều học sinh đăng ký học thêm; gồm cả học sinh của lớp tôi và học sinh các lớp khác, trường khác. Việc dạy thêm giúp tôi tăng thu nhập, được thỏa sức sáng tạo và khẳng định năng lực. Khi dạy thêm, tôi tự soạn giáo trình, giáo án, chịu trách nhiệm cao với kết quả của học sinh, thể hiện ở kết quả đầu ra qua từng năm. Nay thông tư mới không cho giáo viên dạy thêm tại nhà mà phải qua trung tâm; không cho giáo viên dạy thêm học sinh lớp mình chủ nhiệm… Tôi cho rằng, việc này không mang lại tác dụng mà còn làm tăng áp lực cũng như chi phí cho phụ huynh, học sinh, giáo viên”.
Không cấm hoàn toàn
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo đó, cá nhân hoặc tổ chức tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu phí phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Đồng thời, giáo viên trong các nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian giảng dạy.

Trước những ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường do không thể quản lý, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành khẳng định, Bộ không cấm, bởi đây là nhu cầu chính đáng của cả người học và người dạy. Tuy nhiên, thực tế có nhiều học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải tham gia các lớp học thêm do giáo viên hoặc nhà trường tổ chức, thậm chí học thêm chỉ để không bị lạc lõng với bạn bè hoặc tránh cảm giác áy náy với thầy cô. Các quy định mới được đưa ra nhằm chấm dứt tình trạng này.
Lý giải về việc dạy thêm trong nhà trường chỉ được áp dụng miễn phí cho ba nhóm học sinh trên, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quy định cụ thể số tiết học và yêu cầu cần đạt của từng môn học, đồng thời giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục. Theo đó, nếu học sinh chưa đạt yêu cầu, nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm hỗ trợ mà không được thu phí. Việc tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi cũng là trách nhiệm của nhà trường, được tích hợp vào kế hoạch giáo dục, thay vì trở thành một dịch vụ thu phí. Thông tư mới hướng đến hạn chế dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tạo điều kiện để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, tự học và vận dụng kiến thức, thay vì bị cuốn vào lịch học dày đặc.
Đánh giá về Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình), cho rằng việc dạy thêm, học thêm kéo dài đã làm suy giảm khả năng tự học của học sinh. Ông nhấn mạnh trách nhiệm của nhà trường là hướng dẫn học sinh cách tự học, đúng với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ông cũng cho rằng Thông tư này có thể được xem là một “phép thử” buộc các trường phải thay đổi, dù có thể gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 2-2024 đến trước ngày 14-2, nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đã thông báo tạm dừng toàn bộ các lớp học bổ trợ, tăng cường. Ông Trần Minh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa (quận Đống Đa), cho biết: “Nhà trường đã ngừng tổ chức các lớp tăng cường cho các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý và hóa học. Giáo viên chỉ giao bài tập để học sinh tự học, nếu cần có thể trao đổi với thầy cô qua điện thoại. Nếu các trường thực hiện nghiêm túc và hướng dẫn học sinh tự học hiệu quả, phụ huynh như chúng tôi sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng vì con đang học lớp 9, liệu việc ôn tập miễn phí có ảnh hưởng đến động lực của giáo viên và chất lượng dạy học hay không?”.
Ở một góc nhìn khác, một giáo viên tiếng Anh tại một trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân bày tỏ băn khoăn: “Theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, giáo viên không được dạy thêm học sinh tiểu học, trừ các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao và kỹ năng sống. Tiếng Anh không thuộc danh mục này. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn mong muốn con được học tiếng Anh từ sớm. Như vậy, liệu giáo viên có được phép dạy thêm ngoài nhà trường khi đã đăng ký kinh doanh hoặc giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ?”.
Lâu nay, vấn đề dạy thêm, học thêm luôn là chủ đề “nóng”, gây nhiều tranh luận trong dư luận, đặc biệt là từ phía phụ huynh. Có nhiều lý do khiến học sinh cần học thêm cả trong và ngoài nhà trường. Trên thực tế, nhu cầu dạy và học thêm là chính đáng, điều này cũng đã được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, bản chất của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT không phải là cấm hoàn toàn dạy thêm, học thêm, mà nhằm quản lý chặt chẽ hơn để khắc phục những tiêu cực trước đây. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu học tập thực tế của học sinh, đặc biệt là với các môn như tiếng Anh, tin học ở bậc tiểu học hay các lớp tăng cường cho học sinh cuối cấp. Nếu quy định không phù hợp với nhu cầu xã hội, sẽ dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”. Để tránh những biến tướng trong hoạt động dạy thêm, học thêm, cơ quan quản lý cần có những cơ chế rõ ràng, minh bạch, giúp các tổ chức và cá nhân nắm bắt và thực hiện nghiêm túc, đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát quy định dạy thêm
Bộ GD&ĐT phải rà soát, nắm bắt các ý kiến băn khoăn với quy định mới về dạy thêm, học thêm mới ban hành. Nội dung trên nằm trong văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ GD&ĐT ngày 22/1/2025.
Theo Văn phòng Chính phủ, những điểm mới trong quy định tại Thông tư số 29 về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều sự đồng tình song còn không ít băn khoăn của dư luận. Một số ý kiến cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm là do chương trình học tập còn nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. Học chỉ để phục vụ các kỳ thi nên dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng…
Văn phòng Chính phủ đồng thời chỉ đạo Bộ GD&ĐT kịp thời có giải pháp xử lý để ổn định dư luận.
Nguồn: https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/bo-giao-duc-va-dao-tao-khong-cam-hoan-toan-day-them-hoc-them-chi-chan-chinh-tieu-cuc-i759528/