(Dân trí) – Ngày 10/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, thông tư của Bộ ban hành ngày 30/12 vừa qua nhằm quản lý việc dạy, học thêm chứ không “cấm”.
Trên đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng liên quan đến Thông tư quy định về dạy, học thêm đang gây nhiều ý kiến trái chiều mới đây.
Theo Thứ trưởng, hoạt động dạy học thêm phức tạp cả trong và ngoài nhà trường, là nhu cầu lớn nhưng các văn bản cũ tồn tại hàng chục năm nay chưa đủ chế tài quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, ngày 30/12 vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, quy định về dạy học thêm, dựa trên 5 nguyên tắc, trong đó nhằm quản lý việc dạy, học thêm chứ không “cấm”.
Cũng theo Thứ trưởng, để đảm bảo 5 nguyên tắc trên, điểm mới mà Thông tư 29 đưa ra không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
“Các trường phổ thông hiện nay đang áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã quy định cụ thể số tiết/môn, đưa ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức với học sinh.
Như vậy về mặt nguyên tắc, nhà trường, thầy cô thực hiện đúng giờ học theo quy định đã đảm bảo cho học sinh lượng kiến thức và đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.
Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc…, để các em phát triển năng lực toàn diện hơn”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, thông tư mới quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật).
Giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…
“Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.
Những ngày qua, cũng có những ý kiến cho rằng, không dạy thêm giảm thu nhập của giáo viên. Có rất nhiều giáo viên mầm non, vùng sâu vùng xa, giáo viên nhiều bộ môn…, không dạy thêm nhưng vẫn tâm huyết, say sưa với nghề.
Khi dạy, học thêm xuất hiện một vài yếu tố tiêu cực, không ít thầy cô giáo tốt cũng phải chịu mang tiếng, tổn thương, do đó quy định mới lần này còn là hướng tới bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo”, Thứ trưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thưởng, nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng do đó Bộ GD&ĐT không cấm.
Tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí…, phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh…
Được biết để thực hiện tốt hơn thông tư, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục có các văn bản đôn đốc, chỉ đạo tiếp theo để các Sở GD&ĐT tham mưu, ban hành các hướng dẫn thực hiện tại địa phương.
Đặc biệt, để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả, giải pháp căn cơ mà Bộ GD&ĐT đưa ra: cần tăng cường tuyên truyền với giáo viên và phụ huynh nhằm thay đổi nhận thức; tăng cường thanh kiểm tra và đảm bảo đời sống nhà giáo thời gian tới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-gddt-quy-dinh-moi-tranh-giao-vien-keo-hoc-sinh-ra-ngoai-hoc-them-20250210192002466.htm