Bộ Công Thương đã đưa ra kịch bản phát triển nguồn điện đặc biệt cao gắn với nhu cầu tăng trưởng hai con số, tăng cường nhập điện từ các nước láng giềng.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long – Ảnh: C.DŨNG
Ngày 17-2, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và đánh giá môi trường chiến lược.
Ông Nguyễn Hoàng Long, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho hay Quy hoạch phát triển điện 8 được Thủ tướng phê duyệt có nhiều điểm mới với tính động và mở, nhằm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đảm bảo cung cấp đủ điện, phục vụ phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng.
Bốn kịch bản về tăng trưởng điện
Tuy nhiên hiện có nhiều yếu tố mới ảnh hưởng đến nhu cầu điện, phát triển nguồn và lưới điện. Đặc biệt là việc phát triển dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với 6.000MW có tác động đáng kể tới cơ cấu nguồn điện; yêu cầu về đảm bảo cung ứng điện, với mục tiêu tới năm 2030 cao hơn nhiều so với mục tiêu trước.
Trong đó tăng trưởng GDP phấn đấu đạt trên 8% và 2026 – 2030 tăng trưởng hai con số, mức tăng này đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hằng năm từ 12% đến trên 16%.
Cùng đó là tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp với các cuộc xung đột, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, tạo thuận lợi tích hợp điện gió, mặt trời, các nguồn điện khác…
Vì vậy, ông Long cho rằng cần xem xét thấu đáo việc điều chỉnh Quy hoạch điện 8, trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi các đơn vị liên quan để quy hoạch có tính khả thi, hiệu quả.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ điện, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng, cho biết trong dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế gắn với tăng trưởng điện.
Bao gồm kịch bản thấp, kịch bản cơ sở, kịch bản cao gắn với mức tăng trưởng lên tới 8-9% và kịch bản đặc biệt cao gắn với mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, bám sát nghị quyết, chính sách của Trung ương.
Ông Hưng đánh giá kết quả dự báo ở kịch bản thấp phản ánh thực tế dự báo tăng trưởng cập nhật của các tổ chức quốc tế khi nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, đáp ứng việc điều hành cung cầu điện trong ngắn hạn.
Với kịch bản cơ sở cho thấy mức tăng trưởng cao đối với GDP và điện thương phẩm. Dự báo này được đánh giá là có căn cứ pháp lý vững chắc nhất, tuân thủ mục tiêu tăng trưởng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đối với kết quả dự báo ở kịch bản cao, phán ánh nhu cầu điện trong trường hợp nền kinh tế phát triển tăng tốc giai đoạn 2026-2030, đạt mức tăng trưởng GDP cao “hai con số”.
Khối lượng đầu tư khổng lồ cần tính toán kỹ giá điện
Còn với kết quả dự báo của kịch bản cao đặc biệt phản ánh nhu cầu điện trong trường hợp nền kinh tế phát triển tăng tốc và duy trì tăng trưởng cao “hai con số” trong thời gian dài. Kịch bản này đảm bảo dự phòng cho phát triển điện lực trong dài hạn.
Để đáp ứng mục tiêu trên, Bộ Công Thương đưa ra chương trình phát triển nguồn, lưới điện, cũng như tăng cường nhập khẩu nguồn điện từ Lào và Trung Quốc. Theo tính toán, quy mô hệ thống điện Việt Nam phải đạt 210.000MW đến 2030 và tăng lên 840.000MW vào 2050. Mức này cao hơn lần lượt 35% và 50% so với Quy hoạch điện VIII đã duyệt.
Vì vậy cùng với các nguồn điện được phát triển, nhập khẩu điện có vai trò quan trọng để đảm bảo nguồn cung. Trong đó Việt Nam dự kiến nhập khẩu 3.700MW từ Trung Quốc, tăng thêm 3.000MW so với quy hoạch trước; nhập khẩu điện từ Lào với công suất dự kiến đạt 6.800MW, cao hơn gần 1,6 lần so với quy hoạch.
Theo một số chuyên gia, việc chuẩn bị nguồn, lưới điện đáp ứng kịch bản cao là cần thiết. Tuy nhiên với kịch bản này, cần có đánh giá kỹ hơn về phương thức thực hiện, tính khả thi. Đặc biệt trong thời gian ngắn tới năm 2030, việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước không đơn giản nên cần cơ chế, giải pháp đặc thù.
Ngoài ra với nguồn đầu tư lớn, giá điện không thể ở mức 9,1 cent/kWhh. Vì vậy, cần có đánh giá tài chính dự án trên cơ sở chỉ tiêu tài chính, nguồn đầu tư làm tăng giá điện. Bởi giá điện trung bình 2.103 đồng, tương đương 8,3 cent/kWh, nên việc đầu tư lớn với mức giá điện hơn 9,1 cent/kWh được đánh giá là “kỳ tích”.
Đọc tiếp
Về trang Chủ đề
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-cong-thuong-xay-dung-kich-ban-dac-biet-cao-ve-dien-tang-nhap-tu-lao-va-trung-quoc-20250217164602921.htm