Thời gian gần đây, tỉnh Bình Dương đang dịch chuyển dần sang thu hút dự án đầu tư chất lượng cao. Sự chuyển dịch này được minh chứng qua việc nhiều nhà đầu tư từ các nước châu Âu…
Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: E ngại vì thời gian chờ đợi quá dài Tăng tốc sản xuất – xuất khẩu ngay từ đầu năm |
Ngay sau Tết Nguyên đán 2025, UBND tỉnh Bình Dương trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho hàng loạt dự án FDI và dự án đầu tư trong nước với số vốn hàng tỷ USD. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2025, Bình Dương tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Bình Dương ưu tiên thu hút dự án FDI theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh, công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…
Trước hết, tỉnh Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển. Bên cạnh đó, Bình Dương định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh – sinh thái; nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, xây mới các khu công nghiệp xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data…
![]() |
Bình Dương tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư |
Nhiều giải pháp thu hút dự án đầu tư nước ngoài chất lượng được Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng, quảng bá hình ảnh… Ngoài ra, kiên trì quan điểm thu hút FDI có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng đối tác giàu tiềm năng từ Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… Mở đầu cho làn sóng đầu tư xanh hơn, chất lượng của các doanh nghiệp châu Âu vào tỉnh có thể kể đến dự án Nhà máy Lego (Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III) của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD. Dự án xanh của Lego được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình Dương.
Sau Tập đoàn Lego, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng cơ sở chế tác trang sức tại khu công nghiệp Việt Nam – Singapore III, với tổng vốn đầu tư khoảng 160 triệu USD. Dự án này dự kiến sử dụng 100% năng lượng tái tạo, tạo ra hơn 6.000 việc làm và sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn Leed Gold (tiêu chuẩn công trình xanh). Kế đến, Tập đoàn Sep (Hàn Quốc) cũng đầu tư hơn 200 triệu USD để phát triển Cụm công nghiệp trung hòa carbon (Net Zero) đầu tiên tại tỉnh. Các nhà đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và công nghệ cao, mang lại những công nghệ tiên tiến và phương pháp quản lý hiện đại.
Gần đây, các Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc), Manwah (Hồng Kông), Tokyu, IHI (Nhật Bản)… đều mong muốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghệ cao, công nghiệp xanh tại Bình Dương. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào sản xuất mà còn mở rộng sang các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), góp phần nâng cao năng lực công nghệ cho tỉnh. Ông Konosuke Yoshii, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn IHI cho biết, Tập đoàn IHI mong muốn tham gia vào quá trình phát triển năng động của Bình Dương, trong đó trọng tâm là lĩnh vực hạ tầng giao thông và công nghệ cao. “IHI đặc biệt ấn tượng với Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những phân tích và phương án bài bản để đưa Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của Đông Nam Á”, ông Yoshii nói.
Chia sẻ về định hướng đầu tư tại Bình Dương, bà Bonnie Tu, Chủ tịch Tập đoàn Giant (Đài Loan) cho biết, Bình Dương được đánh giá cao chính là tiềm năng và dư địa phát triển của các khu công nghiệp ngày càng hiện đại. Thời gian tới, Tập đoàn Giant tiếp tục mở rộng sản xuất tại Bình Dương. Ngoài nhà máy có vốn đầu tư 60 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP 2-A, tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp VSIP 3 với số vốn khoảng 120 triệu USD.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, năm 2025, để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo các tuyến đường liên vùng đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh Bình Dương), Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13… tỉnh Bình Dương đã quy hoạch khoảng 20.000 ha đất công nghiệp với mục đích tạo ra động lực và không gian phát triển mới và thu hút mạnh đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ, trong năm 2025, Bình Dương phấn đấu GRDP tăng 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người 195 triệu đồng… Để đạt được mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra, Bình Dương tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và các ngành tiềm năng như chất bán dẫn, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/binh-duong-tang-suc-hut-cac-du-an-dau-tu-chat-luong-160474.html