(Dân trí) – Bạn sẽ dễ dàng thay đổi không gian sống trở nên tươi mới hơn chỉ với việc bố trí lại ánh sáng, cây xanh, thêm chút mùi hương tinh dầu tự nhiên.
Bạn có cảm thấy căn nhà của mình tù túng và thiếu sức sống? Cảm giác uể oải, thiếu năng lượng khi ở nhà có thể ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng và hiệu quả làm việc của bạn. Vậy làm thế nào để cải tạo ngôi nhà trở nên tươi mới, tràn đầy sinh khí và giúp bạn tìm lại nguồn cảm hứng?
Sau đây là 5 bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả để bạn có thể tự tay hồi sinh không gian sống của mình.
Bước vào nhà với cảm giác tỉnh táo
Các chuyên gia kiến trúc nội thất thường tận dụng tác động về xúc chạm để thay đổi tâm lý của con người trước khi bước vào một không gian. Một chút cảm giác lạnh sẽ giúp đầu óc con người trở nên tỉnh táo. Vì vậy sàn nhà tại khu vực sảnh chờ, tháo giày nên được bố trí bằng gạch, tay nắm bằng kim loại hoặc đá giúp đánh thức gia chủ trước khi bước vào không gian bên trong.
Tâm lý học không gian cho biết cơ thể và tâm trí con người có khả năng đồng bộ hóa với không gian xung quanh. Việc đánh thức trước giúp cho cơ thể con người nhanh chóng hòa nhập, điều tiết khi bước vào trong nhà. Bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy thoải mái, thư giãn khi ngả lưng ở phòng khách nhiều vật liệu thiên nhiên sau một ngày dài làm việc.
Thay đổi ánh sáng
Ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong thiết kế nội thất cũng như tác động đến tâm lý con người.
Nếu bạn chưa đủ kinh phí để thuê các công ty nội thất chuyên nghiệp thì có thể thuê các đơn vị chỉ chuyên về chiếu sáng. Những đơn vị này sẽ giúp đo đạc, kiểm tra chất lượng ánh sáng, thiết bị chiếu sáng của căn nhà. Thậm chí họ còn có thể thiết kế, bố trí lại ánh sáng dựa trên sở thích của bạn.
Thay vì chỉ sử dụng một loại ánh sáng, việc kết hợp nhiều nguồn sáng khác nhau sẽ mang đến những hiệu ứng thị giác và cảm xúc bất ngờ. Phân lớp ánh sáng là một kỹ thuật quan trọng trong thiết kế nội thất, giúp tạo ra những không gian sống đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau.
![Bí quyết hồi sinh không gian căn nhà tù mù, thiếu sức sống - 1 Bí quyết hồi sinh không gian căn nhà tù mù, thiếu sức sống - 1](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/Bi-quyet-hoi-sinh-khong-gian-can-nha-tu-mu.jpeg)
Ánh sáng có tác động quan trọng đến tâm lý con người (Ảnh: Decorilla).
Đánh thức khứu giác
Để không gian bớt buồn tẻ và có sức sống, mùi hương là một trong những điều then chốt. Khi bước vào một không gian có mùi ẩm mốc, cũ kỹ, tâm trạng của bạn cũng nhanh chóng khó chịu, không thoải mái.
Chính vì vậy, bí kíp đơn giản để căn nhà ấm cúng đầy sức sống mà ít người để ý chính là sử dụng hương thơm. Bạn có thể sử dụng các loại tinh dầu tự nhiên hay nến thơm có mùi cam, chanh hoặc quế.
Điểm nhấn về sức sống
Một cách đơn giản khác để làm cho không gian nhiều sức sống là đem thiên nhiên vào trong nhà. Nếu bạn không có thời gian chăm sóc thì có thể dùng cây giả. Não bộ con người xử lý cảm xúc khi nhìn vào cây giả và cây thật như nhau. Khi chúng ta nhìn vào cây xanh lập tức trở nên dễ chịu so với việc không gian chỉ toàn bê tông nhân tạo.
Ngoài cây cối, bạn có thể bố trí những bức tranh cảnh thiên nhiên. Thậm chí, nếu có điều kiện, việc nuôi thú cưng như chó mèo cũng nhanh chóng truyền năng lượng sống mạnh mẽ vào căn nhà.
![Bí quyết hồi sinh không gian căn nhà tù mù, thiếu sức sống - 2 Bí quyết hồi sinh không gian căn nhà tù mù, thiếu sức sống - 2](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/Bi-quyet-hoi-sinh-khong-gian-can-nha-tu-mu.jpg)
Cây xanh đem lại cảm giác tươi mới cho không gian sống (Ảnh: Decorilla).
Yếu tố sạch sẽ
Nếu bạn về nhà với căn nhà bừa bộn, tù mù về ánh sáng thì bạn không đủ động lực đứng lên đi dọn dẹp. Vì vậy, nếu bạn đã áp dụng được 4 bí kíp trên, bạn sẽ có đủ năng lượng để dọn dẹp nhà cửa.
Sạch sẽ là yếu tố hàng đầu trong việc bổ sung sức sống cho không gian. Các nhà tâm lý học cũng khẳng định việc dọn dẹp không gian sống cũng có tác động như dọn dẹp tâm trí. Từ đó, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ được chữa lành, tươi mới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/bi-quyet-hoi-sinh-khong-gian-can-nha-tu-mu-thieu-suc-song-20250124160316782.htm