Thương hiệu mắm Dì Cẩn không còn xa lạ với cả nước, thậm chí vươn ra thế giới.
Cùng là mắm nhưng bí quyết của bà Cẩn lại cho ra những loại mắm thơm ngon, vừa ý người thưởng thức.
Bà Nguyễn Thị Cẩn (SN 1948, quê quán TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) vốn xuất thân từ gia đình thuần nông. Năm 20 tuổi, bà ra Đà Nẵng mưu sinh và xin việc ở các hộ làm mắm. Nhờ đôi bàn tay khéo léo, có tài trong việc nữ công gia chánh, bà nghiên cứu cách làm mắm riêng rồi mở một sạp mắm ở chợ Hàn (Đà Nẵng) từ năm 1980.
Sạp mắm ban đầu bán mắm nêm, mắm ruốc, mắm dưa… đều do tự tay bà Cẩn làm từ nguồn cá cơm, tép mua từ các hộ đánh bắt ở biển Đà Nẵng. Bấy giờ, chợ Hàn cũng có nhiều sạp mắm nhưng bà Cẩn luôn “mua may bán đắt” bởi vị mắm khác biệt.
Bà Cẩn có tổng cộng 6 người con, gồm 3 gái và 3 trai. Từ nhỏ, bà đã dạy cho các con gái bí quyết làm mắm và cả ba người con gái đều theo nghề của bà. Người con gái út Trương Thị Thanh Minh (SN 1977) được cho là thành công nhất với thương hiệu riêng mang tên “con gái út Dì Cẩn”.
Ngoài bán ở chợ Hàn, mắm Dì Cẩn có mặt ở hầu hết các siêu thị, các chợ lớn nhỏ. Nói về bí quyết của mẹ, bà Minh cho biết chỉ nhờ vào đôi tay cùng việc thắt chặt nguyên liệu. Bà Cẩn dạy các con muốn mắm ngon nguyên liệu phải tốt; tức là cá cơm, tép hay tôm đều phải tươi. Từ tàu cá đưa vào thì ủ ướp ngay mới có thể cho ra mắm ngon. Ngoài ra, các con tuyệt đối không được cho chất bảo quản vào mắm bởi làm thế là hại sức khỏe người tiêu dùng. Chai mắm có thời hạn sử dụng, mắm ngon nhất khi vừa mới ra thành phẩm và càng để lâu thì vị sẽ phai đi.
Hiện bà Minh đang ấp ủ dự định đưa những công đoạn làm mắm từ thủ công sang hệ thống dây chuyền, sử dụng máy móc hiện đại nhưng vẫn giữ chất lượng mắm để các con có thể nối nghiệp. “Gìn giữ thương hiệu mắm Dì Cẩn là điều chắc chắn chúng tôi sẽ làm để không bao giờ mất đi và giữ chữ tín với những người đã tin tưởng và sử dụng mắm của gia đình chúng tôi hơn 50 năm qua” – bà Minh nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/bi-quyet-gia-truyen-mam-di-can-196250124134854548.htm