(NLĐO)- Với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, rượu Hoà Long là một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người dân địa phương
Tọa lạc tại TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), làng rượu Hòa Long từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Năm 2016, nghề nấu rượu tại xã Hòa Long được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là nghề truyền thống.
Theo UBND xã Hòa Long, hiện toàn xã có hơn 50 hộ dân nấu rượu cung cấp chủ yếu trong tỉnh. Mỗi gia đình làm rượu tại đây đều có những bí quyết riêng, từ khâu chọn nguyên liệu, lên men đến chưng cất. Chính điều này đã tạo nên hương vị đặc trưng, khó lẫn lộn của rượu Hòa Long.
Đưa phóng viên đi giới thiệu về cơ sở nấu rượu của mình, ông La Văn Thọ (chủ cơ sở lò rượu Hai Thọ, ấp Đông, xã Hòa Long) cho biết, trước đây gia đình ông chỉ biết nấu rượu theo cách cha ông truyền lại. Sau này, được Sở Công thương hướng dẫn và bản thân ông Thọ cũng học các lớp vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã áp dụng quy tắc 1 chiều trong sản xuất rượu.
Cụ thể, lò rượu của ông phân ra từng khu vực nấu, rắc men, ủ men, chưng rượu và đóng can, mỗi người phụ trách một công đoạn và không để lẫn các thứ với nhau. Mỗi ngày ông Thọ nấu khoảng 80kg – 100kg gạo và cung cấp ra thị trường từ khoảng 300 – 400 lít rượu với giá giao động từ 15.000 đồng/lít đến 43.000 đồng/lít.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề nấu rượu, ông Thọ chưa sẻ để được mẻ rượu chất lượng thì ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm, cần phải chú trọng đến loại men, loại gạo và nước sử dụng để nấu.
“Hiện nay trên thị trường có các loại men Trung Quốc giúp rút ngắn các giai đoạn làm rượu, nhưng những loại rượu này nếu uống vào rất độc hại, sẽ bị đau đầu, dễ gây ngộ độc. Một số người còn sử dụng methanol để pha với rượu, sau đó bán ra thị trường, đây là những việc làm vô cùng nguy hại, ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của người khác và cần phải có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời” – ông Thọ nói.
Nguyên liệu chính để sản xuất rượu Hòa Long là gạo, men và nước. Gạo thường được chọn là loại gạo thơm, dẻo. Men được làm từ các loại ngũ cốc như đậu nành, gạo nếp, và một số loại thảo dược. Nước dùng để nấu rượu là nước giếng khoan sạch, không lẫn tạp chất.
Quá trình sản xuất rượu Hòa Long khá công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ. Gạo sau khi ngâm, nấu sẽ được trộn đều với men để ủ. Sau một thời gian, hỗn hợp này sẽ được đem đi chưng cất để lấy rượu. Rượu sau khi chưng cất sẽ được để lắng trong các thùng gỗ hoặc chum sành để loại bỏ tạp chất và tăng thêm hương vị.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề nấu rượu truyền thống tại Hòa Long đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự phát triển của các loại rượu công nghiệp. Để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, người dân Hòa Long đã không ngừng đầu tư vào việc xây dựng cơ sở sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các hội chợ, lễ hội cũng là dịp để giới thiệu rượu Hòa Long đến với đông đảo người tiêu dùng.
Nguồn: https://nld.com.vn/bi-mat-dang-sau-huong-vi-ruou-hoa-long-19625012614415503.htm