Trước những thông tin phản ánh của bạn đọc Ngân Hà, anh Trần Quang Vinh cho hay “ở Đà Nẵng cũng vậy” và đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nên quán triệt các bệnh viện trên cả nước khi khám bệnh cho bệnh nhân.
Nhiều người bệnh bị từ chối khám bảo hiểm y tế lần 2
“Tôi chở người nhà đi khám và từng bị như thế. Người nhà tôi bị thoát vị 6 đốt, đi đứng rất khó khăn. 13h khám tiểu đường tới 13h40 xong, xin xuống khám cơ xương khớp không được, bắt phải lấy thuốc về hôm sau lên khám”, bạn đọc ThacNoi cho biết.
Bạn đọc Nguyen Hoàng cũng chia sẻ: “Tôi đau đầu, đi khám. Bác sĩ bảo về theo dõi. Khi nào chịu không nổi thì vô khám nhập viện (buổi sáng). Chiều hôm đó đầu tôi như nổ tung. Nhưng vô khám bác sĩ bảo lần 2 trong ngày không được. Phải chờ hôm sau”.
“Tháng 3-2024 tôi đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM cũng bị từ chối khám 2 lần, buộc ngày hôm sau đi. Muốn khám một ngày mà nhiều chuyên khoa khác nhau thì phải năn nỉ bác sĩ khám đầu tiên chuyển.
Nhưng đâu phải bác sĩ nào cũng chịu chuyển tiếp khoa khác vì họ bận rộn, không có thời gian bấm máy tính chuyển khoa khác. Nếu không muốn làm phiền bác sĩ khoa khác, bệnh nhân đành chịu cảnh một chợ mà đi 2-3-4 lần. Luật thì vậy nhưng “người kèo trên” muốn sao thì “kèo dưới” phải chịu”, bạn đọc Benz kể.
“Không chỉ ở Bệnh viện quận Phú Nhuận đâu, tôi khám ở bệnh viện quận ven, bệnh viện gần trung tâm TP đều bị y chang vậy. Đã in toa, lãnh thuốc là đóng ngày hôm đó, muốn khám được bảo hiểm y tế phải qua ngày hôm sau, còn cùng ngày mà khám lần 2 là khám dịch vụ”, bạn đọc DeanLe cho hay.
Nhiều bạn đọc khác cho biết dù cùng một bệnh hay hai căn bệnh khác nhau, khi người bệnh yêu cầu được khám bệnh lần 2 thì nhiều bệnh viện từ chối. Muốn được khám, bệnh nhân lại phải quay lại vào một ngày khác. Như vậy người bệnh vừa mất công đi lại, vừa mệt mỏi, thêm bệnh.
Ở xa, phải chờ đợi lâu nên tranh thủ khám 2-3 bệnh
Bạn đọc Thanh Thanh lại dẫn thêm câu chuyện về thời tiết: “Trời nóng nực, trong người bị bệnh, mệt mỏi mà cứ phải đi thắc mắc thế này cuối cùng vẫn là không được khám, có khi bệnh nặng thêm”.
Từ thực tế của mình, bạn đọc Lê Nguyễn Kha chia sẻ đi khám bệnh bảo hiểm y tế phải chờ đợi rất cực, lại ở xa nên người dân tranh thủ khám nhiều bệnh trong ngày: “Không ai muốn vẽ nhiều bệnh để lấy thuốc cả… Bệnh viện và bảo hiểm y tế cần xem lại các trường hợp này”.
Bạn đọc Bạch Châu đề xuất giải pháp: “Theo tôi, mỗi bệnh viện cần có một nơi, bố trí nhân viên nắm rõ quy định để giải thích những thắc mắc cũng như hướng dẫn cho bệnh nhân. Phải coi bệnh nhân là những “thượng đế” để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn chứ”.
Còn bạn đọc Nhân nêu ý kiến: “Tôi nghĩ cứ 6 tháng/lần BHXH TP phải gửi văn bản nhắc nhở các quy định với các bệnh viên đang tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chứ làm hằng ngày mà còn không nắm rõ quy định như thế này thì thật không hiểu nổi.
Những nhân viên được ngồi chỗ trả lời thắc mắc này bệnh viện phải chọn những người am hiểu, nắm rõ quy định chứ. Chứ trả lời như vậy thì làm khổ, thiệt thòi cho người bệnh quá!”.
“Bệnh diễn tiến ai mà biết trước được?”, một bạn đọc nêu ý kiến.
Bệnh viện “làm khó” bệnh nhân vì sợ bảo hiểm y tế không thanh toán?
Ở góc nhìn từ bệnh viện, một bạn đọc phân tích: “Mọi người toàn đổ lỗi cho bệnh viện và ngành y. Các bác có biết bảo hiểm y tế – BHXH yêu cầu bác sĩ không được làm cái này phải làm cái kia không?
Những khoản tiền mà bệnh nhân được hưởng từ bảo hiểm y tế ngay sau khi khám chữa bệnh có phải là bảo hiểm y tế sẽ thay mặt bệnh nhân trả ngay cho bệnh viện đâu. Có bệnh viện cuối năm mới đi đòi được từ tay bảo hiểm y tế mà họ cũng chỉ ứng cho 3/4 số tiền thôi. Có nghĩa bảo hiểm y tế – BHXH nợ bệnh viện 1/4 số chi phí khám chữa bệnh mà bệnh viện đó đã dùng để phục vụ người dân, coi như làm tin.
Bệnh nhân khám xong ra về nhưng sau đó bảo hiểm y tế lục lại hồ sơ bệnh án bệnh nhân bảo dịch vụ này được thanh toán, dịch vụ kia không được thanh toán, xuất toán. Thế là tiền thì đã chi cho bệnh nhân, không thể gọi bệnh nhân quay lại nộp bù vào, bệnh viện cắn răng chịu đựng.
Nhưng chưa hết, lãnh đạo bệnh viện phạt khoa để xảy ra việc đó. Khoa đổ trách nhiệm về cho nhân viên y tế để xảy ra việc đó, thế là họ tự móc túi ra để nộp tiền vào….”.
Bạn đọc Chiến chia sẻ thêm: “Nếu các bạn làm ở bệnh viện sẽ gặp nhiều trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế bằng cách khám nhiều lần và khám ở nhiều nơi. Quy định là khám nhiều lần trong ngày nhưng không được khám trùng chuyên khoa đã khám trước đó”.
Ngay lập tức bạn Mây phản biện: “Nếu nói như bạn thì giống kiểu đánh nhầm còn hơn bỏ sót? Bệnh nhân đi trục lợi khác với bệnh nhân đi khám thực. Bệnh nhân đi khám trục lợi là đi khám nhiều lần đến quen mặt. Còn tra thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân bao nhiêu năm mới lần đầu đi khám bệnh thì phải biết chứ!”.
Bạn đọc Thăng cho rằng: “Như vậy thật vô lý. Đã đóng tiền thì phải được chi trả như nhau bất kể số lần khám, hơn nữa 1 ngày khám 2 lần cũng không tính là nhiều. Người dân trục lợi bảo hiểm y tế chỉ là cá biệt, nhưng cách đối xử như vậy lại ảnh hưởng tới tất cả mọi người”.
“Cái đó là quy định của bảo hiểm, nếu muốn dễ cho bệnh nhân thì bảo hiểm phải thoáng”, bạn đọc Accdemo lên tiếng.