Liên kết các sáng kiến của Bayer với chương trình phát triển của chính phủ Việt Nam, đặc biệt đối với các loại cây trồng xuất khẩu chính như gạo, sầu riêng, cà phê…, nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên tiếp tục nhận được những hỗ trợ lớn trong năm 2025 để phát triển nông nghiệp bền vững.
Thúc đẩy nhân rộng 2 dự án “ForwardFarming” và “Better Life Farming”
Đầu tháng 2 vừa qua, các đại diện từ Tập đoàn Bayer cùng đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), các chuyên gia từ các viện nghiên cứu và các đối tác trong chuỗi giá trị thực hiện các chuyến khảo sát thực tế về việc triển khai, đánh giá và trao đổi kế hoạch nhân rộng 2 mô hình ForwardFarming và Better Life Farming (BLF) tại Việt Nam.
Cụ thể, đoàn đã đến thăm các mô hình canh tác mẫu, bao gồm ruộng của ông Đỗ Trí Hùng ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, Cần Thơ, nơi triển khai mô hình mẫu ForwardFarming từ năm 2023; vườn cà phê ông Nguyễn An Sơn và vườn sầu riêng ông Nguyễn Văn Sứ tại huyện Cư M’gar, Đắk Lắk, 2 trong số những vườn được chọn làm mô hình mẫu cho dự án BLF tại khu vực Tây Nguyên.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với đặc thù sản xuất lúa gạo, mô hình “Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai – ForwardFarming” được ra mắt chính thức từ tháng 9/2023 dưới sự hợp tác giữa Bayer Việt Nam cùng TTKNQG và các đối tác như Bình Điền, Sài Gòn Kim Hồng,…

Buổi trao đổi giữa các đơn vị đối tác cùng nhà nông tham gia dự án ForwardFarming tại Thới Lai, Cần Thơ.
Từ sự hợp tác thành công trong việc xây dựng mô hình canh tác lúa bền vững này, cuối năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Bayer tiếp tục mở rộng hợp tác sang hai cây trồng chủ lực ở khu vực Tây Nguyên là sầu riêng và cà phê thông qua dự án Better Life Farming.
Được triển khai với sự phối hợp của nhiều đơn vị khác trong chuỗi giá trị nông nghiệp như Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty Netafim, Yara, dự án đặt mục tiêu phát triển và thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp, phương thức canh tác vừa thân thiện với môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và đảm bảo tính an toàn của sản phẩm.

Chuyến thăm vườn cà phê của ông Nguyễn An Sơn (SN 1964) tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk.
Thành tựu của các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam
Cả hai sáng kiến “ForwardFarming” và “Better Life Farming” đều giúp nhà nông tiếp cận các giải pháp tiên tiến và tư vấn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả canh tác, sản lượng cũng như chất lượng nông sản, nâng cao năng lực nhà nông để trở thành những nhà kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, từ đó phát triển đời sống kinh tế thịnh vượng.
Bayer cùng các đối tác khuyến khích nhà nông ứng dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động đến môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Tham gia chuyến hành trình khảo sát cùng các đối tác và gặp gỡ nhà nông địa phương, bà Natasha Santos – Giám đốc Chiến lược Bền vững Toàn cầu, Tập đoàn Bayer chia sẻ: “Mục tiêu toàn cầu của chúng tôi là thúc đẩy sự chuyển đổi sang một nền nông nghiệp tái sinh với các giải pháp canh tác bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ các nguồn tài nguyên, đồng thời nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người nông dân. Để làm được điều này, chúng tôi nỗ lực tìm hiểu và nghiên cứu về điều kiện và tập quán canh tác đặc trưng của từng địa phương, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp nhất cho những thách thức nhà nông địa phương đang đối mặt”.

Bà Natasha Santos – Giám đốc Chiến lược Bền vững Toàn cầu, Tập đoàn Bayer trong chuyến tham quan mô hình mẫu thuộc dự án Better Life Farming.
Về ForwardFarming, trong vụ lúa Hè Thu, nhà nông phải đối mặt với áp lực dịch hại cao hơn so với vụ Đông Xuân, thời tiết mưa nhiều gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển lúa. Áp dụng đồng bộ công nghệ và giải pháp tiên tiến, mô hình ForwardFarming đã phần nào giải quyết được các thách thức này.
Trong 5 mùa vụ vừa qua, dự án đã cho thấy các kết quả ấn tượng, bao gồm giảm 50% lượng giống, giảm 30-50% lượng phân đạm trong khi tăng năng suất 13,5% và lợi nhuận 13,1%-54,9% (thay đổi tùy theo mùa vụ), sản phẩm thu hoạch đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU (về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật).
Còn đối với Better Life Farming, dự án bước đầu chú trọng việc xây dựng các vườn mô hình canh tác kiểu mẫu, cùng các hoạt động tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm kết nối nhà nông để lan tỏa các phương thức và giải pháp canh tác bền vững, mang lại hiệu quả cao.
Việc bộ giải pháp bảo vệ cây trồng tích hợp của Bayer được áp dụng tại 2 vườn sầu riêng mô hình do nông dân địa phương canh tác tại Đak Nông trong năm 2024 đã thu được nhiều kết quả tích cực, giúp giảm 80-90% sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt, tăng 20% năng suất và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn An Sơn, chủ vườn cà phê với diện tích 6,5ha tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, khi tham gia vào dự án Better Life Farming, ông được hướng dẫn áp dụng các giải pháp nông nghiệp tiên tiến, như công nghệ tưới nhỏ giọt, các giải pháp quản lý sâu bệnh và dinh dưỡng trên cây trồng. Khi sử dụng giải pháp quản lý sâu bệnh từ Bayer, ông nhận thấy sự khác biệt rõ rệt ở khả năng lưu dẫn hai chiều, có thể thẩm thấu qua rễ lưu dẫn lên thân lá giúp phòng ngừa sâu bệnh; thay vì phải phun trực tiếp lên cây như một số sản phẩm khác.
Song song đó, dự án còn ra mắt chuỗi trung tâm dịch vụ nông nghiệp Better Life Farming được vận hành bởi các doanh nghiệp địa phương. Đây là nơi cung cấp các giải pháp nông nghiệp toàn diện cho nông dân, bao gồm vật tư đầu vào, kiến thức, tư vấn kỹ thuật, thông tin thị trường và trong tương lai hướng đến mục tiêu hỗ trợ kết nối nhà nông với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Ông Nguyễn An Sơn (bìa trái) chia sẻ về việc áp dụng các giải pháp nông nghiệp tiên tiến trên vườn khi tham gia dự án BLF.
Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân như Bayer Việt Nam với các cơ quan, tổ chức công như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện lúa ĐBSCL và sự góp sức của các đối tác trong chuỗi giá trị mang đến sức mạnh to lớn trong công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Qua đó, các nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến, thế mạnh của các bên sẽ giúp triển khai hiệu quả các mô hình canh tác bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong năm 2025 và xây dựng một tương lai bền vững cho nông nghiệp.
Nguồn: https://danviet.vn/bayer-day-manh-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-tai-dbscl-va-tay-nguyen-2025022010154303.htm